Tín dụng chính sách xã hội giúp A Lưới sớm thoát khỏi huyện nghèo cả nước

Nằm trong chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng 18/8, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng đã có buổi làm việc tại xã Quảng Nhâm và huyện A Lưới về thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Quảng Nhâm.

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện; đại diện 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện; Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước với 77,5% là đồng bào DTTS. Toàn huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã và 2 thôn của xã Hồng Thượng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo của NHCSXH huyện A Lưới, đến ngày 15/8/2023, doanh số cho vay đạt 97 tỷ đồng, với 2.199 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn,…

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 475 tỷ đồng, tăng 35,6 tỷ đồng (+8,11%) so với cuối năm 2022. Quảng Nhâm là xã có tổng dư nợ các chương trình tín dụng lớn thứ hai của huyện A Lưới, với 47,8 tỷ đồng, 973 hộ vay; chất lượng tín dụng được đánh giá là tốt, an toàn.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, toàn xã Quảng Nhâm có trên 460 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; trong đó, trên 452 hộ là đồng bào DTTS được vay vốn (chiếm 98% số lượt hộ vay) để sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 74,23% vào năm 2021 xuống còn 58,55% vào cuối năm 2022.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn sự quan tâm của NHCSXH đã hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo trên địa bàn. Nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống và có tác động mạnh mẽ, tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. Đầu năm 2022, huyện A Lưới có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98 % và hộ cận nghèo 2.185 hộ, chiếm tỷ 15,55%. Kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo cuối năm 2022 còn lại là 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2% (giảm 1.623 hộ) và hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70% (giảm 107 hộ).

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện triển khai thực hiện quyết liệt rất nhiều giải pháp. Trên cơ sở những đóng góp của hoạt động tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đề nghị NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng huyện trong thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 đưa A Lưới ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn khoảng 12%.

Chủ tịch huyện A Lưới cũng đề xuất, NHCSXH quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn chính sách đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vốn người dân trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, thực hiện tốt mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hiện nay, các chi phí xây dựng đều tăng nên cần nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT lên 15 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí thực tế. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách đối với hộ gia đình có mức sống trung bình để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; mở rộng cho vay xuất khẩu lao động đối với lao động là thành viên thuộc hộ mới thoát nghèo.

Qua kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Quảng Nhâm, lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo huyện, xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay vốn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao kết quả hoạt động của huyện A Lưới đạt được trong thời gian qua.

Tổng Giám đốc khẳng định tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện A Lưới trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đưa A Lưới sớm thoát khỏi huyện nghèo của cả nước.

Tại đây, Tổng Giám đốc NHCSXH cũng cam kết sẽ bổ sung 10 tỷ đồng cho NHCSXH huyện A Lưới để tập trung cho vay giải quyết tạo việc làm. Tổng Giám đốc đề nghị chi nhánh tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần bám sát trong quá trình cho vay không để các đối tượng chính sách không có vốn để phát triển sản xuất cũng như rà soát việc cho vay không đúng đối tượng. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cần rà soát kỹ hộ vay để nắm bắt nhu cầu vay, sử dụng vốn, quản lý tốt nguồn vốn vay chính sách xã hội.

Phan Việt
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, Công đoàn cơ sở Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã dũng cảm hy sinh, mất mát xương máu của mình để bảo vệ non sông Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN