Phát triển ngành công nghiệp đất hiếm 'Made in Vietnam'

Nước ta sở hữu trữ lượng lớn thứ 2 thế giới về đất hiếm nhưng chưa phát huy được lợi thế đó để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm xứng tầm.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có những chính sách, chiến lược nhằm ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về công nghệ đất hiếm, đồng thời xác định đầu tư cho nghiên cứu khoa học về đất hiếm sẽ giúp chúng ta làm chủ các quá trình chế biến sâu đất hiếm từ khâu khai thác mỏ, tuyển quặng thu nhận tinh quặng đất hiếm, đến khâu thủy luyện tinh quặng thu nhận tổng đất hiếm TREO và tiếp đến là khâu phân chia và tinh chế để thu nhận các đơn nguyên tố đất hiếm độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao trên thị trường thương mại thế giới.

Mới đây, Cavico Việt Nam và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam đã ký kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium. Tại lễ ký, hai bên khẳng định đây là sự kiện khởi động dự án xây dựng Nhà máy Chế biến sâu đất hiếm Scandium đầu tiên tại Việt Nam với qui mô lớn.

Chú thích ảnh
Cavico VN và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam ký kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium.

Thông tin về khu mỏ đất hiếm của Cavico tại Lào, ông Bùi Quảng Hà, Chủ tịch Cavico VN cho biết: “Qua công tác thăm dò chi tiết đã xác định trữ lượng quặng Scandium và các nguyên tố đất hiếm khác ở khu vực Mỏ đa kim Bản Bò – Bolykhamxay, Lào rất có tiềm năng, trữ lượng lớn, dễ khai thác, hàm lượng trung bình đạt các tiêu chuẩn khai thác và chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trữ lượng quặng có giá trị thương mại hàng tỷ USD nhưng để chế biến sâu cần sự đầu tư lớn, nghiên cứu công nghệ bài bản… mới có thể cho ra sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu ra thế giới được. Đất hiếm sau khi được khai thác tại khu mỏ của Cavico tại Lào sẽ được tinh chế sạch và đưa về Nhà máy tại Việt Nam chế biến sâu để cho ra thành phẩm có giá trị thương mại cao, cung cấp cho thị trường thế giới.

Đánh giá về sự hợp tác này, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm Việt Nam nhận định: “Viện Công nghệ xạ hiếm xác định đây là nhiệm vụ chính trị của Viện và sẽ cố gắng hết sức mình hợp tác với công ty Cavico Việt Nam để thực hiện thành công dự án. Đây còn là nhiệm vụ mang ý nghĩa kinh tế to lớn, cần phải thực hiện và khẳng định thực hiện thành công”.

 

Song Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN