Nông nghiệp là mũi nhọn đưa kinh tế An Giang phát triển

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian qua tỉnh An Giang đã tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển và đạt mức tăng trưởng khá.

Chú thích ảnh

Từ năm 2015 đến nay, An Giang đã chuyển đổi được gần 22.600 ha từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất lúa ba vụ hiện nay.

Nếu lợi nhuận từ sản xuất 3 vụ lúa mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha thì mô hình sản xuất các loại rau ăn lá cho lợi nhuận dao động từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây ăn trái sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu cũng đem lại lợi nhuận gấp 3-5 lần so với trồng lúa.

Cùng đó, các mô hình như trồng bưởi tại An Giang cũng đạt 700-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư; trồng nhãn với lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 2 năm đầu tư. Tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây tại Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…; rau màu ở Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc…; lúa nếp Phú Tân, Châu Phú gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang cũng mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò với hàng chục ngàn con. Lợi nhuận từ các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung cao hơn lợi nhuận thu được từ mô hình chăn nuôi nông hộ khoảng 7 – 8%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại An Giang đạt 49 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha, tăng 63 triệu đồng so với năm 2015.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ, là tỉnh đầu nguồn nên điều kiện tự nhiên của An Giang thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đã mời gọi đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống thủy sản như cá nàng hai, cá lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép … mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

An Giang hiện là tỉnh sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền cung cấp cho các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang... Đây cũng là địa phương chuyên sản xuất, cung cấp các giống thủy sản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang cung cấp cá giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành Trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho toàn vùng trong thời gian tới.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, thời gian tới, An Giang đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa ở những vùng canh tác không hiệu quả; tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa, cá, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.

Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường năng lực dự báo, xúc tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản nông sản của địa phương - ông Bình nhấn mạnh.

Định hướng phát triển kinh tế trong 5 năm tới, An Giang sẽ tập trung đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế, trong số đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm…

Thanh Sang
Ba khâu đột phá đưa kinh tế An Giang vào nhóm đầu khu vực ĐBSCL
Ba khâu đột phá đưa kinh tế An Giang vào nhóm đầu khu vực ĐBSCL

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, đoàn kết, phát triển, chiều 25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc, thành công tốt đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN