Đề xuất giải pháp xóa bỏ ‘rào cản’ thiếu tự tin về tài chính tuổi già của Millennials

Thế hệ Millennials Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng thiếu sự tự tin và chuẩn bị chu đáo cho tuổi già độc lập, theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia.

Tại Hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 do Prudential Việt Nam tổ chức vừa qua, ThS. Lê Thu Huyền, đại diện Viện Khoa Học Lao động và Xã hội (ILSSA) cùng các chuyên gia trong lĩnh vực dân số đã cùng nhau thảo luận và chỉ ra rằng, thế hệ Millennials - nhóm người sinh từ năm 1981 đến 1995 hiện vẫn chưa đủ tự tin sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, thoải mái khi về già dẫu phần nào nhận thức được tầm quan trọng của lập kế hoạch chuẩn bị cho tuổi xế chiều.

Để giải mã lý do đằng sau thực trạng trên, bà Huyền đề cập đến việc thu nhập bình quân của nhóm Millennials chỉ ở mức thấp với 6,23 triệu/tháng và có đến hơn 30% người lao động có thu nhập thấp dưới 5 triệu mỗi tháng không có hợp đồng lao động. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tự tin của thế hệ này. Hơn thế, bên cạnh việc chưa đạt được tâm lý vững vàng, tình trạng chuẩn bị sơ sài cũng đang tồn đọng song song, thông qua tỷ lệ 62,1% người lao động Việt không tham gia bảo hiểm xã hội.

Chú thích ảnh
ThS. Lê Thu Huyền nhận định nguyên nhân an ninh thu nhập người cao tuổi tại Việt Nam đang ở mức thấp bởi người dân chưa có sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ.

Theo đó, dù đã có những nhận thức cho tuổi xế chiều, song, để chuẩn bị cho tuổi già chủ động thay vì lệ thuộc, nhóm Millennials vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Để có sự chuẩn bị cho tuổi già, đặc biệt trên khía cạnh tài chính, Millennials cần nhìn nhận toàn cảnh bức tranh về cơ hội và thách thức.

Cụ thể, ở góc độ cơ hội, khác với Baby Boomers (1946-1964) và Gen X (1965-1980), thế hệ Millennials được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ của máy tính và mạng Internet. Điều này tạo ra thuận lợi giúp họ chủ động tiếp cận kiến thức từ nhiều nền tảng để phát triển các kỹ năng quản lý tài chính và đa dạng hóa các kênh đầu tư. Đây là lợi thế của nhóm này nếu so với các thế hệ trước, những người thường chỉ áp dụng phương pháp tiết kiệm để chuẩn bị cho tuổi xế chiều. Và bên cạnh những thuận lợi về hình thức đầu tư, tích lũy tài chính, thế hệ Y còn sở hữu đa dạng các ứng dụng công nghệ và phương thức quản lý tài chính hiện đại. Nghĩa là, để chuẩn bị kế hoạch vững bền cho tuổi già, Millennials có thể vừa tạo ra nguồn thu nhập, vừa kiểm soát quá trình một cách thuận tiện và khoa học.

Song song với mặt tích cực, người trẻ vẫn phải đối mặt với những thách thức nhất định. Khi có quá nhiều lựa chọn với đa dạng cách thức đầu tư, dẫn đến dễ nảy sinh tâm lý trì hoãn dẫn đến việc chưa có kế hoạch đủ rõ ràng và quyết liệt để chuẩn bị cho tuổi xế chiều. Ngoài ra, thời gian chuẩn bị rút ngắn là rào cản lớn nhất đối với thế hệ Millennials nói riêng và toàn xã hội Việt Nam nói chung trong việc hành trình tiến tới già hóa chủ động. TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: "Việt Nam còn khoảng thời gian rất ngắn khoảng 14 năm trước khi bước vào thời kỳ dân số già". Đây là khoảng thời gian không dài để chuẩn bị cho bước chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già" nếu thế hệ Millennials không đẩy nhanh sự chuẩn bị.

Chú thích ảnh
TS Bùi Sỹ Lợi nhận định cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội và chú trọng các bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trước khi bước vào thời kỳ dân số già.

Ngoài áp lực thời gian, rào cản khác trong quá trình già hóa chủ động đến từ cách thức chuẩn bị cho giai đoạn này. Kể cả khi nhận thức được sự đe dọa của già hóa dân số, nhóm đối tượng này vẫn đi trên "một sợi dây mảnh" khi thiếu sự chuẩn bị an toàn.

Để hạn chế các rào cản, TS. Bùi Sỹ Lợi đưa ra lời khuyên chung cho toàn xã hội để gia tăng cơ hội già hóa chủ động với tài chính đảm bảo ở người trẻ. Cụ thể, mọi loại hình kinh doanh, bất kể tư nhân hay nhà nước, cần suy nghĩ dưới góc nhìn tổng thể về chính sách an sinh xã hội, cùng nhau đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, kết hợp bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ để đáp ứng đa dạng nhu cầu của từng nhóm đối tượng.

Trên hành trình chuẩn bị cho tuổi già độc lập, yếu tố tài chính là mối bận tâm hàng đầu của thế hệ trẻ, bởi đây là điều kiện "cần" quyết định các yếu tố khác. Xây dựng kế hoạch tài chính là tiền đề để người trẻ tạo ra bước chuẩn bị dài hơi cho tương lai và tuổi già của mình.

Bên cạnh yếu tố tài chính, để chuẩn bị cho tuổi già giảm bớt sự lệ thuộc đối với người khác, thế hệ Millennials cũng cần đảm bảo đủ các yếu tố khác như sức khỏe thể chất, tinh thần và gắn kết xã hội nhằm có bản "đề cương" chi tiết cho tuổi xế chiều.

Trước bối cảnh xã hội Việt Nam có sự chuyển mình nhanh chóng từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già", cũng như mong muốn đồng hành cùng người trẻ Việt cho việc chuẩn bị một tuổi già hạnh phúc, thúc đẩy người trẻ bắt đầu hành động, Prudential Việt Nam ra mắt trang thông tin Tự do Tuổi 50 và Công cụ tính toán tài chính nhằm cung cấp thông tin giúp người trẻ hoạch định kế hoạch dự trù tài chính cho tuổi già.

‘Tuổi già’ trong cách suy nghĩ của thế hệ Millennials
‘Tuổi già’ trong cách suy nghĩ của thế hệ Millennials

Chẳng biết từ khi nào mà nhiều bạn trẻ có mối quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của mình. Họ nghĩ về tuổi già nhiều hơn và bắt đầu có những kế hoạch để đón tuổi già độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN