03:09 01/03/2012

Doanh nghiệp phải chủ động hội nhập

Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm nhưng nhiều ý kiến vẫn cho thấy thực tế là: DN vẫn chưa chủ động hội nhập, vẫn có tâm lý trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm nhưng nhiều ý kiến vẫn cho thấy thực tế là: DN vẫn chưa chủ động hội nhập, vẫn có tâm lý trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tâm lý này đã và sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc hội nhập của bản thân các DN và sự phát triển toàn bộ nền kinh tế.

Quá trình hội nhập đã tác động đến nhiều DN, trong đó có dệt may. Sau 5 năm gia nhập WTO, ngành dệt may đã có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Việt Nam đã vươn lên đứng trong nhóm 10 quốc gia có kim ngạch XK dệt may hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 15,8 tỷ USD. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Đặng Thị Phương Dung: Hội nhập đã giúp tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường XK để giảm rủi ro, nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, DN Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa nên sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao còn thấp. Do sức cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với hàng dệt may sẽ căng thẳng hơn nên DN cần phải chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua cải tiến công nghệ, mẫu mã, phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu...

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Chủ tịch Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cũng lo ngại về sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam. Việc gia nhập WTO đã mở thêm nhiều thị trường cho hàng cà phê nên thị trường không phải là vấn đề đáng lo mà lo hơn cả là các DN cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị thấp. Với phương thức sản xuất này, DN cà phê Việt Nam không tận dụng được nhiều cơ hội từ quá trình hội nhập.

Việc gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, nhất là thị trường phân phối. Theo đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp bán buôn, bán lẻ đã tăng nhanh. Xu hướng này góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam tiến tới chuyên nghiệp và hiện đại nhanh hơn. Nhưng, các DN phân phối bán lẻ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với quá trình hội nhập, sự cạnh tranh của DN ngày càng tăng lên là một xu hướng tất yếu. Càng hội nhập thì DN càng phải đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh. DN Việt Nam nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, bảo vệ của Nhà nước như trước đây là không phù hợp.

Từ ý kiến của một DN cho rằng, Nhà nước hiện nay vẫn chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ hàng hóa của Việt Nam nên hàng hóa nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật không dễ nhưng cũng không quá khó. Nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm thì có thể học hỏi từ tiêu chuẩn của nước khác. Nhưng, các DN cần phải hiểu là khi áp dụng tiêu chuẩn cao cho hàng hóa nước ngoài thì cũng phải áp dụng tiêu chuẩn đó cho hàng hóa trong nước. Thế nên, để áp dụng tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, điều quyết định là DN trong nước phải tự nâng cao chất lượng hàng hóa, tự mình vươn lên. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới xây dựng hàng rào kỹ thuật được, nếu không DN trong nước cũng sẽ gặp khó khăn”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tâm lý thụ động khi hội nhập của DN có nguồn gốc lịch sử là do trước đây, việc đàm phán theo các cam kết hội nhập vẫn bị coi là việc của Nhà nước. Việc đàm phán là chuyện “bí mật” của những người làm chính sách. Trong quá trình đàm phán các cam kết hội nhập, DN cũng rất ít được tham vấn, chỉ có một số ít DN, hiệp hội ngành hàng lớn như dệt may, da giày... có lợi ích lớn mới được tham vấn. Trong khi đó, DN không có thông tin sẽ rất khó có điều kiện chuẩn bị tốt năng lực cạnh tranh của mình, cũng như tham gia vận động hành lang để bảo vệ quyền lợi của mình... Do đó, trong việc đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương tới đây, Nhà nước cần tham vấn các DN và các DN cần chủ động tiếp cận quá trình đàm phán để có thể tận dụng tốt hơn các cam kết này.

Thu Hường