Xây dựng một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ

Mỗi doanh nghiệp muốn quảng bá được sản phẩm, tiêu thụ được hàng hóa trên thị trường thì đều cần phải xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Mỗi quốc gia muốn mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường toàn cầu cũng cần có thương hiệu ở tầm vóc quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này của việc phát triển thương hiệu, từ năm 2008, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại khởi động Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) (Vietnam Value). Qua hai lần xét chọn doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình vào thời điểm năm 2008 và năm 2010, đến nay, 43 DN đã có các thương hiệu sản phẩm/dịch vụ được lựa chọn tham gia Chương trình THQG.

Cần nhiều thời gian và sức lực

Theo các chuyên gia kinh tế, một thương hiệu mang tầm quốc gia sẽ tạo ra rất nhiều lợi ích phát triển cho đất nước và doanh nghiệp. Với thương hiệu mang tầm quốc gia, DN sẽ có điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị phần trong và ngoài nước. Hơn nữa, bản thân việc xây dựng THQG không chỉ có tính thương mại trực tiếp, mà là xây dựng một hình ảnh, làm sao cho hình ảnh đó được định hình trong tâm trí công chúng nói chung và người tiêu dùng nói riêng để từ đó chi phối hành vi mua sắm của họ. Tuy nhiên, cả giới DN và các thành viên của Hội đồng xây dựng THQG đều cho rằng, việc xây dựng THQG đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực, không thể là chuyện một sớm một chiều.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) chia sẻ: Các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô nhỏ lại rất ít kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, do tập quán kinh doanh, nhiều DN chưa quan tâm đến bán hàng có thương hiệu của riêng mình. Việc xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước đã khó mà khẳng định tên tuổi ở thị trường nước ngoài càng khó hơn vì sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước khác. Chính vì vậy, theo ông Đỗ Thắng Hải, Chính phủ đã khởi động chương trình THQG từ nhiều năm nay với mục đích kết nối DN, hỗ trợ DN để tiến tới xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ, giúp nâng cao sự nhận diện về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng rộng và sâu hơn.

Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Bởi việc xây dựng thương hiệu là cả một hành trình dài, cần những bước đi, kế hoạch mang tính chiến lược, có sự đầu tư bài bản, có sự tính toán kỹ lưỡng để mang lại hiệu quả cao nhất. Và quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Tạo sức thu hút cộng đồng doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng nước ngoài khi mua sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn bất ngờ vì Việt Nam lại có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Song nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng "Xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước đã khó nhưng ở nước ngoài thì càng khó hơn vì ở nước đó rất thiếu thông tin về sản phẩm hàng hóa của Việt Nam”. Vì vậy, việc DN và Nhà nước cùng chung sức xây dựng hình ảnh THQG sẽ giúp cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam vươn xa hơn ra thị trường thế giới.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho đất nước Việt Nam tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, đây chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Việt Nam có những sản phẩm rất có lợi thế cạnh tranh, như con cá tra, cá ba sa là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam mà người tiêu dùng thế giới rất ưa thích vì giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, để tiến công ra thị trường thế giới, để khẳng định với thế giới rằng chúng ta có những sản phẩm hàng hóa uy tín, chất lượng cao, các doanh nghiệp trong nước cần biết tối ưu hóa các lợi ích trên, cùng với một chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đúng đắn.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong 43 DN tham gia chương trình, hiện sở hữu tới hàng chục thương hiệu nước giải khát trên thị trường trong nước, trong đó có ba thương hiệu được tham gia chương trình THQG là trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh Không Độ, nước tăng lực Number 1... Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "Xây dựng thương hiệu là một quá trình nuôi dưỡng và kiến tạo các giá trị có được từ niềm tin của khách hàng, đối tác và xã hội. Việc tham gia chương trình THQG là một bước đi của Tân Hiệp Phát trong chiến lược “trở thành Tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực nước giải khát”. Với việc được gắn biểu trưng THQG, sản phẩm của Tân Hiệp Phát sẽ cạnh tranh tốt hơn với các DN khác, thậm chí, tự tin hơn để thâm nhập thị trường thế giới. Nhưng bản thân Tân Hiệp Phát phải càng nỗ lực phát triển sản phẩm hơn nữa, khẳng định các cam kết về uy tín và chất lượng”. "DN Việt Nam có thể thắng ở thị trường trong nước và ngoài nước hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng thương hiệu", ông Thanh khẳng định.

Có thể thấy, 43 DN được tham gia chương trình THQG có những điểm khác nhau về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhưng đều có chung định hướng muốn phát triển thương hiệu lớn mạnh để chinh phục cả thị trường trong nước và ngoài nước. Với các DN này, việc được vinh danh THQG là một cách hữu hiệu để giúp sản phẩm của Việt Nam vươn xa hơn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý, THQG không phải là một giải thưởng. Việc gắn biểu trưng THQG chỉ là sự khởi đầu để các DN trở thành đối tác của chương trình. Các DN có thương hiệu sản phẩm/dịch vụ được lựa chọn tham gia Chương trình không chỉ theo đuổi những giá trị riêng của mình mà phải cùng chia sẻ và theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo.

Minh Khuê

1
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN