Việt Nam là điểm thu hút đầu tư của các hãng điện tử lớn

Từ vị trí chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu cách đây hơn 10 năm, Việt Nam giờ đây đã trở thành điểm đến đầu tư mới của các hãng điện tử nổi tiếng thế giới. Đó là nhận định của báo giới Trung Quốc trong bài đăng mới đây về sự phát triển của ngành gia công điện tử Việt Nam.

Sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN


Tác giả cho biết năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu lượng linh kiện và thiết bị điện tử trị giá tới 38 tỷ USD (theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC) và trở thành nước xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn thứ 12 thế giới.

Trên thực tế, với đà tăng trưởng kinh tế, lực lượng lao động dồi dào và giá thuê nhân công rẻ, vị trí địa lý tiện lợi cùng nhiều ưu điểm khác, Việt Nam đã nhận được sự ưu ái của rất nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc năm 2013 đã đầu tư 2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Thái Bình. Dự kiến đến năm 2015, hơn 40% điện thoại di động Samsung có mặt trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam.

Tháng 7/2014, Samsung được phê duyệt đầu tư một tỷ USD xây dựng nhà máy màn hình tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Samsung đã đầu tư tổng cộng gần 10 tỷ USD tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia như Intel, LG,... cũng không chịu lép vế khi đồng loạt đầu tư xây dựng nhà máy tại đây Theo thống kê, những tập đoàn này đã đầu tư tổng cộng hơn một tỷ USD tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam đầy tiềm năng cũng là yếu tố thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Nhiều hãng điện tử không chỉ nhắm đến lực lượng nhân công rẻ khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy mà còn tìm kiếm cả những quốc gia mà thị trường nội địa rộng lớn, có thể tiêu thụ lượng sản phẩm lớn.

Việt Nam dường như hội tụ đủ các yếu tố đó. Tỷ lệ phổ cập Internet ở Việt Nam hiện ở mức 40%, số khách thuê bao điện thoại di động thông minh (smartphone) đạt khoảng 30%, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Độ phủ sóng mạng vô tuyến của Việt Nam khá cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thông minh và máy tính bảng trong giới trẻ cũng rất phổ biến. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đang từng bước được cải thiện cũng khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm điện tử đầy tiềm năng.

Bên cạnh đó, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á nên có ưu thế khá lớn về các mặt như chuyển dịch ngành nghề, xuất khẩu sản phẩm...

Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy của Việt Nam hiện nay đều chỉ mới tập trung vào khâu lắp ráp vốn có giá trị gia tăng tương đối thấp, chưa giải quyết được các vấn đề về sức cạnh tranh cốt lõi như nhân tài, công nghệ cũng như khả năng sáng tạo.

Dù vậy, sự có mặt của các hãng điện tử nước ngoài cùng với nguồn vốn đầu tư của họ trên chừng mực nhất định đã giúp Việt Nam tiếp cận được với công nghệ và kiến thức tiên tiến của nước ngoài, bên cạnh đó cũng cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng và giáo dục của Việt Nam.


TTXVN/Tin tức
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang lên
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang lên

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho biết: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định là yếu tố căn bản nâng đỡ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN