Thị trường viễn thông : “Nóng” sở hữu cổ phần mạng di động

Nghị định 25/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), một số quy định mới của Luật Viễn thông sẽ có tác động trực tiếp và tích cực đến sự phát triển bền vững của dịch vụ viễn thông.

“Xiết” khuyến mại và thuê bao trả trước

Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP các doanh nghiệp không được khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá thị trường; không được cung cấp dịch vụ chất lượng kém cho người tiêu dùng. Đối với một số các dịch vụ khác như di động, Internet... các mức khuyến mại quy định không được vượt quá 50% giá trị dịch vụ hàng hóa được khuyến mại.

Nghị định còn quy định: Tổng thời gian thực hiện các chương trình khuyến mại không được quá 90 ngày trong một năm và không vượt quá 45 ngày trong một lần. Riêng các trường hợp khuyến mại như bốc thăm trúng thưởng, có tính chất may rủi thì thời gian áp dụng không vượt quá 180 ngày trong một năm và tối đa 90 ngày cho một chương trình.

Trong một thời gian dài, thị trường viễn thông Việt Nam có tình trạng các hãng viễn thông chạy đua khuyến mại. Cứ đều đặn một tháng vài ba lần, nhà mạng lại đưa ra các ngày "vàng" khuyến mãi. Mỗi lần kéo dài 3- 4 ngày mà chưa có cơ quan nào thống kê số lượng các đợt khuyến mại có vượt quá số lượng 90 ngày trong một năm hay không... Đề tài này luôn “nóng” trong công tác quản lý thị trường viễn thông nhằm tạo sự minh bạch trong cạnh tranh.

Vụ trưởng Vụ viễn thông (Bộ TT-TT) Phạm Hồng Hải cho biết: Kể từ khi Thông tư 11/2010 của Bộ TT-TT quy định hoạt động khuyến mại có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, hoạt động về khuyến mại của các doanh nghiệp đến nay đã dần đi vào nề nếp. Hiện nay, hầu như không thấy doanh nghiệp nào xin Bộ TT-TT cấp thêm đầu số. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà mạng đang sử dụng kho số ngày càng hiệu quả.

Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP, MobiFone sẽ phải hợp nhất với VinaPhone, hoặc tiến hành cổ phần một trong hai mạng nói trên. Ảnh : Lê Phú


Theo Bộ TT-TT, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định về tỷ lệ sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp nhằm hạn chế việc tập đoàn mẹ quản lý 2 doanh nghiệp con làm giảm sức cạnh tranh của cả 2 đơn vị này. Chẳng hạn ở Ấn Độ, quy định tỷ lệ sở hữu là 10%. Một số nước khác thì quy định hơn 20%; Hàn Quốc quy định khoảng 20%. Nghị định 25/2011/NĐ-CP ra đời phù hợp với thực tế vì không một tập đoàn nào lại lập ra 2 doanh nghiệp con cung cấp cùng dịch vụ để cạnh tranh nhau.

Theo ông Hải, khuyến mại dịch vụ là một trong những hoạt động mà các doanh nghiệp hay “để ý” nhau. Khi doanh nghiệp này khuyến mại gây “sốc” thì doanh nghiệp khác thường phản ứng ngay. Quan điểm của Bộ TT-TT là: Nếu khuyến mại có dấu hiệu vi phạm quy định, Bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp đó phải giải trình, tránh tình trạng “cơn mưa” khuyến mại tràn lan, gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ viễn thông.

Đề cập tới chất lượng dịch vụ viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng thừa nhận: Đây là vấn đề phức tạp. Hàng năm, Cục Quản lý chất lượng (Bộ TT-TT) đều làm việc với các nhà mạng theo định kỳ để đo kiểm chất lượng. Tuy nhiên, để việc giám sát chất lượng dịch vụ được liên tục hơn và nâng tầm hơn, Bộ TT-TT đã trình Chính phủ Đề án thành lập Cục Quản lý viễn thông trên cơ sở sáp nhập Cục Quản lý chất lượng để đảm đương việc giám sát mạng.

Theo Luật Viễn thông, ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, khuyến mại đúng quy định, các hãng viễn thông vẫn phải quản lý chặt khai báo thông tin cá nhân của thuê bao. Tháng 5/2011, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công an để đối soát dữ liệu thuê bao. Bước đầu, cơ quan này đã bàn giao gần 4,1 triệu thuê bao (TB) thuộc khu vực Hà Nội cho phía Bộ Công an đối chiếu dữ liệu chứng minh thư. Trong đó, Viettel có 1,57 triệu TB, MobiFone có 1,25 triệu TB, VinaPhone với khoảng 1,28 triệu TB... Các hãng viễn thông còn lại gồm S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline tiếp tục phải gửi thông tin cá nhân của khách hàng cho phía Bộ TT-TT để chuyển sang Bộ Công an kiểm tra. Sau đó, Bộ TT-TT sẽ tổng kết và thông báo cho các hãng viễn thông về số lượng khách hàng khai báo thông tin chưa đúng. Nhà mạng có trách nhiệm yêu cầu thuê bao đến đăng ký lại. Các trường hợp cố tình khai thông tin sai sẽ bị cắt liên lạc hoặc xóa số trên hệ thống.

Hợp nhất hai mạng thành một

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đang sở hữu 100% vốn 2 mạng di động lớn VinaPhone và MobiFone. Tuy nhiên theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP, một là phải cổ phần một trong hai mạng, hai là phải hợp nhất hai mạng di động thành một.

Cũng theo nghị định, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Điều khoản này trước mắt sẽ tác động trực tiếp đến mô hình tổ chức của VNPT. VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Như vậy, theo Nghị định này VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán mô hình nào phù hợp cho mình.

Theo ông Hải, VNPT sẽ phải sáp nhập VinaPhone và MobiFone hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng di động và không được sở hữu chéo quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần sang mạng kia. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần hóa. Thế nhưng, các công ty con của VNPT phải là các công ty hạch toán độc lập chứ không phải các công ty hạch toán phụ thuộc. Theo VNPT, Nghị định 25/2011/NĐ-CP sẽ tác động rất lớn đối với mô hình tổ chức của tập đoàn này.

“Việc thay đổi tổ chức của các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ TT-TT sẽ có văn bản gửi VNPT về phương án tổ chức của tập đoàn này. Sau đó, Bộ sẽ phải có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thoái vốn của VNPT. Sau khi Thủ tướng có quyết định thì VNPT thực hiện lộ trình đó. Sau ngày 1/6, VNPT sẽ tiến hành thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh. Đây là một trong những biện pháp ban đầu để kiểm soát việc sở hữu chéo giữa 2 đơn vị cùng kinh doanh dịch vụ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Tránh hiện tượng một tập đoàn mẹ tạo ra 2 doanh nghiệp con cùng cung cấp dịch vụ và cạnh tranh lẫn nhau.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN