Sản xuất nông nghiệp sạch – cần 'đòn bẩy' từ Agribank

Hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết thành chuỗi sản xuất rau, củ, quả… hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch, có giá trị cao. Để có những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, người dân cần sự trợ giúp vốn từ phía ngân hàng

Từ những mô hình đã có


Tự thuê đất của những hộ không có nhu cầu sản xuất, anh Hoàng Văn Hiệp, xóm 14, xã Thi Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) tích tụ được trên 5ha đất bãi ven sông Đáy, với giá thuê 50 kg thóc/sào/năm (giá thóc tính theo từng năm), thời gian thuê đất trong 10 năm. Mục tiêu tích tụ ruộng đất (TTRĐ) của anh Hiệp nhằm xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn, sản xuất các loại rau, củ, quả, cây cảnh.


Anh Hiệp đầu tư nhà lưới có diện tích 1.000 m2 chuyên trồng các loại rau ăn lá và áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tiên tiến, quản lý dịch bệnh và sâu hại theo quy trình sản xuất rau an toàn. Bình quân mỗi ngày, mô hình xuất bán từ 100 - 200 kg rau, củ, quả các loại, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và một số đại lý tại thành phố Phủ Lý và Hà Nội.


Từ thực tế sản xuất, anh Hiệp cho biết: “Người dân đứng ra TTRĐ có nhiều điểm thuận hơn so với doanh nghiệp như chọn địa điểm ở những nơi người dân không muốn sản xuất để thuê lại. Việc thỏa thuận giá thuê đất dễ dàng hơn. Để sản xuất hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất chính là phải xây dựng chiến lược sản xuất, đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu; đồng thời, phải có hạ tầng bảo đảm phục vụ tốt cho phát triển sản xuất nông nghiệp sạch”.


Cũng chọn giải pháp thuê đất, tự thỏa thuận với người dân để TTRĐ, anh Dương Văn Ước, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) đã tích tụ được hơn 5 ha, đầu tư sản xuất rau, củ, quả an toàn. Để có diện tích đất tập trung, gọn vùng anh tìm thuê thửa khác, có vị trí thuận tiện hơn để đổi cho người dân diện tích nhỏ lẻ xen lẫn đất anh thuê. Anh cũng chấp nhận giá thuê đất cao hơn (1,2 triệu đồng/sào/năm) mặt bằng chung để đáp ứng nhu cầu sản xuất.


Trên diện tích đất tích tụ, anh Ước đầu tư trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải… Tuy nhiên, mô hình gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm, có thời điểm phải nhổ bỏ rau, củ đi vì không tiêu thụ được. Hiện, diện tích sản xuất rau của mô hình giảm xuống còn gần 2 ha. Anh Ước cho biết: “Tôi đang đầu tư hạ tầng sản xuất, nhà lưới để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Đó là điều kiện cần để liên kết để chào bán sản phẩm ở các siêu thị tại Hà Nội”.


Đây là 2 trong số nhiều mô hình do người dân tự TTRĐ ở Hà Nam, một trong những tỉnh đi đầu của cả nước đang thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Có mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch, nhưng cũng có mô hình chỉ trồng lúa hoặc cây ăn quả. Mạnh dạn tìm hướng đi mới nhưng quá trình sản xuất của các mô hình đều gặp nhiều khó khăn. Vì, không phải mô hình nào cũng nằm trong vùng quy hoạch có những điều kiện thuận lợi về hạ tầng sản xuất. Đặc biệt, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất không thực hiện được. Thiếu các điều kiện để sản xuất nông sản sạch, an toàn, trong khi yêu cầu để liên kết được với doanh nghiệp lại rất khắt khe và hơn thế nữa là thiếu vốn để đầu tư nhân rộng mô hình


“Đòn bẩy” từ Agribank


Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, NHNN Việt Nam ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với một số cơ chế, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó cần có các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể và thiết thực đặc biệt chính sách hỗ trợ về tích tụ đất đai như hỗ trợ tiền thuê đất của dân, kinh phí chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chi phí đào tạo lại cho nông dân và truyền thông xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được tham gia vào các dự án khoa học công nghệ bình đẳng như các cơ sở nghiên cứu công lập.


Đặc biệt, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.


Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, thăm mô hình trồng hoa gắn với du lịch từ nguồn vốn vay của Agribank ở huyện Bắc Hà, Lào Cai

Ông Tiết Văn Thành – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Agribank đã vào cuộc với gói tín dụng 50.000 tỷ phục vụ “nông nghiệp sạch” và triển khai rộng rãi tại các chi nhánh, phòng giao dịch trong cả nước. Agribank thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đối tượng cho vay gồm cung ứng vật tư đầu vào (cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón chất lượng cao); sản xuất (xây dựng nhà máy, chuồng trại, ao nuôi, nhà kính, nuôi trồng, chế biến, thiết bị và các chi phí sản xuất khác); tiêu thụ (thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp)... khách hàng sẽ được Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Phí dịch vụ được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống”.


Được biết, trong Đề án tái cơ cấu, Agribank tiếp tục đề xuất Thống đốc NHNN cho phép triển khai mô hình “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.


Đăng Giới/Báo Tin Tức
Agribank – Ngân hàng chủ lực trên thị trường hoạt động kinh doanh đối ngoại
Agribank – Ngân hàng chủ lực trên thị trường hoạt động kinh doanh đối ngoại

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 6,2%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN