Nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu

Là quốc gia nông nghiệp nhưng đến nay, nhiều sản phẩm làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩ là điều nhiều doanh nghiệp hướng tới để chủ động trong sản xuất.

Nan giải bài toán nguyên liệu

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện mỗi năm cả nước vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 – 2,5 triệu tấn khô dầu đậu nành để chế biến thức ăn. Ngay cả ngô, mỗi năm cũng phải nhập khẩu từ 500.000 - 1 triệu tấn. Cám gạo cũng là một loại nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và dù xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu gần 3 triệu tấn/năm.

Tập kết mía nguyên liệu về Nhà máy đường Biên Hòa. Ảnh: Lê Đức Hoảnh- TTXVN


“Con số nhập khẩu nguyên liệu chế biến hàng năm đều tăng và điểm bất cập nữa là hiện nay giá nhiều loại như ngô nhập khẩu còn thấp hơn giá sản xuất trong nước và chúng ta phải bỏ ra tiền tỷ để nhập về, trong khi trong nước hoàn toàn có thể trồng được”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết.

Tương tự, ngành lúa gạo dù luôn đứng vị trí quốc gia thứ 2, thứ 3 xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng hiện nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang đau đầu với bài toán nguyên liệu cho kinh doanh. Trong nội dung quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên quy định DN phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các chủ thể khác tạo ra vùng nguyên liệu mới được tham gia xuất khẩu được đưa ra như yêu cầu bắt buộc DN thực hiện.

Theo nhiều DN, với tình hình thị trường xuất khẩu gạo thay đổi theo chiều hướng nghiêng hẳn về chất, cạnh tranh giá ở mức độ cao, việc củng cố lại mối liên kết giữa DN, nông dân nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo có chất lượng tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với thế giới là việc cần làm ngay.

Trong khi đó, ở ngành thủy sản, trong nhiều năm liền ngành này vẫn loay hoay với bài toán phát triển vùng nguyên liệu. Xuất khẩu của ngành hàng năm đều đạt con số cao, hơn 6 tỉ USD nhưng hầu hết các DN xuất khẩu thủy sản lại không có vùng nguyên liệu. Dù hợp đồng ngày càng nhiều, giá mua cao nhưng DN luôn thường trực nỗi lo canh cánh thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Đây cũng là điểm yếu của nhiều ngành sản xuất khác như điều, dược... Theo các DN, thực chất tự thân DN rất khó xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt trong việc liên kết nông dân.

Quan trọng nhất là phải có người cầm trịch mà ở đây là vai trò nổi bật của Nhà nước với những chính sách cụ thể giúp liên kết tạo chuỗi sản xuất, trong đó ưu tiên xây dựng phát triển vùng nguyên liệu. Khi đó ngân hàng sẽ không còn lo ngại khi hỗ trợ vốn cho DN và nông dân cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn, giữ uy tín bán nguyên liệu cho DN...

Xây dựng 5 vùng nguyên liệu


Tại Hội thảo “Tạo mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà DN - nhà nông, tạo chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp” tổ chức mới đây ở TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian tới, cả nước sẽ xây dựng năm vùng nguyên liệu đáp ứng các thị trường riêng.

Khi tham gia các vùng nguyên liệu này, người dân sẽ được tập huấn sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... giúp nâng cao chất lượng, bán được giá cao, cải thiện thu nhập.

Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long đã có 3 mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt trong ngành lúa gạo được áp dụng bao gồm: DN đầu tư từ A - Z rồi thu mua sản phẩm cho nông dân; chỉ đầu tư giống, phân, thuốc rồi bao tiêu sản phẩm cho nông dân; DN sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân với một mức giá nào đó tùy theo tình hình thực tế sẽ áp dụng thực hiện. Đây cũng là mô hình đang được các DN triển khai áp dụng cho đơn vị mình.

Trong động thái cụ thể giúp các DN xây dựng vùng nguyên liệu, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng đã đề nghị các sở, ngành tạo mọi điều kiện để hỗ trợ vốn cho DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã chủ trì phối hợp với các hiệp hội, DN để nắm bắt nhu cầu nguyên phụ liệu của các ngành hàng, trên cơ sở đó sẽ kết nối với nhà cung cấp các nước, đặc biệt là khu vực ASEAN để giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu.

Song song đó, ngành chức năng cũng chủ động phối hợp với cơ quan Hải quan, thuế... kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp DN đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu để chủ động sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, để chủ động nguồn cung nguyên liệu, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai việc xây dựng nguồn cung cấp ngay trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu.

Hiện các nước ASEAN đang triển khai hàng loạt hiệp định, thỏa ước quốc tế và trong tương lai gần, quá trình xuất nhập khẩu và giao thương giữa các nước trong khối ASEAN sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

“Tận dụng cơ hội này, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 55% vào năm 2015, 65% vào năm 2020 và năm 2030 là 70%. Để đạt được lộ trình đó, rất cần sự chung sức, chung tay của cả cộng đồng”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Lê Nghĩa

Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hướng phát triển của ngành dệt may trong năm 2015 là nâng cao năng suất lao động và giảm dần phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu để nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN