Nhiều doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn trong năm 2011

Đầu tháng 3/2011, đã có 512 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn công bố ước tính doanh thu và lợi nhuận kinh doanh năm 2010, chiếm 77,7% số công ty niêm yết và 74,7% tổng vốn hóa toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ phận phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt (AVS), trong năm 2011 nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và biến động khó lường, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay.

Tác động mạnh bởi thắt chặt tiền tệ

Theo AVS, trong năm 2010, hầu hết các nhóm ngành đều có mức độ tăng trưởng dương, trong đó có đến 4 nhóm ngành có mức độ tăng trưởng doanh thu đến hơn 50%, riêng ngành công nghệ thông tin tăng trưởng rất ấn tượng lên đến 100%; chỉ có dịch vụ tài chính (công ty chứng khoán) là có mức độ tăng trưởng âm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2010, do lạm phát bắt đầu tăng mạnh nên giá cả đầu vào của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong năm 2011.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, những tháng đầu năm 2011, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đều đối mặt với rất nhiều khó khăn và biến động khó lường. Trong khi đó, lạm phát trong nước vẫn đang tăng cao và có thể chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 7% của Chính phủ trong năm 2011 khó thành hiện thực. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND biến động mạnh đầu năm buộc Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải phá giá tiền đồng thêm 9,3%; lãi suất huy động và tiền gửi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là các ngân hàng TMCP nhỏ vẫn còn tình trạng chạy đua lãi suất huy động.

Ngành thực phẩm, ăn uống, dịch vụ... sẽ duy trì được mức độ tăng trưởng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động trong năm 2011.


Do đó, các chính sách điều hành mà Chính phủ đưa ra trong năm nay chủ yếu hướng về mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội hơn là mục tiêu tăng trưởng. Một trong những thông điệp rõ ràng nhất là NHNN đã bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay dưới 20%; dư nợ lĩnh vực phi sản xuất đưới 16%, giảm đầu tư công từ 177.000 tỷ đồng năm 2009 sẽ chỉ còn 152.000 tỷ đồng trong năm 2010... Tất cả những thông điệp này cho thấy, năm 2011 sẽ là năm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khá triệt để, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay.

Doanh nghiệp nào dễ vượt khó?

AVS nhận định, trong cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn vay chiếm gần 60% tổng nguồn vốn. Vì vậy, đây là áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh. Ngoài ra, áp lực giá cả hàng hóa gia tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng theo.

Theo đó, những nhóm ngành nào ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất và lạm phát sẽ là những nhóm ngành có thể đạt được mức lợi nhuận tốt hơn những ngành khác trong năm 2011. Và trong các nhóm ngành này, ngành nào có hiệu quả hoạt động cao sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn các nhóm ngành khác. Cụ thể, ngành thực phẩm và đồ uống, lợi nhuận năm 2010 tăng đến 129,8% và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu đạt 21,0% so với 12,2% năm 2009. Điều này cho thấy, việc chủ động trong khả năng thay đổi giá bán đã làm cho mức độ tăng giá bán hàng hóa cao hơn nhiều so với mức độ gia tăng chi phí đầu vào, đây là một lợi thế rất lớn của doanh nghiệp.

Với một số ngành khác như điện, nước và xăng dầu, khí đốt, tài nguyên cơ bản, truyền thông, tuy chi phí đầu vào cũng gia tăng nhưng không thể chủ động tăng giá đã làm cho hiệu quả hoạt động sụt giảm rất đáng kể. Ngành hóa chất, tuy doanh thu không có nhiều đột biến nhưng mức độ tăng trưởng lợi nhuận lại khá cao đến 35,8%, hiệu quả hoạt động duy trì khá cao và ổn định. Một điểm lợi thế khác của nhóm ngành này là giá dầu vẫn có khả năng tăng cao do sự bất ổn chính trị ở một số nước trên thế giới.

Có thể thấy, ngành ngân hàng là ngành chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay dưới 20%. AVS cho rằng, trong bối cảnh này, một số ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhưng đây lại là cơ hội để cho các ngân hàng lớn mở rộng thị phần của mình. Ngoài ra, thị trường tiền tệ và vàng đang được Chính phủ kiểm soát khá chặt và đang tiến dần đến việc giao dịch tập trung vào các đầu mối trung gian mà ngân hàng có thể là đối tượng được ưu tiên hàng đầu, điều này ít nhiều sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng từ hai thị trường này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của AVS, nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, hóa chất và ngân hàng vốn lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mức độ tăng trưởng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động trong năm 2011.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN