Doanh nhân Lê Văn Kháng:

Người “đãi” nước biển thành vàng

Nói đến doanh nhân Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản - Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex), có lẽ không chỉ ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu mà ở cả nhiều tỉnh, thành ven biển từ khu vực miền Trung trở vào phải cảm ơn ông, bởi nhờ ông mà khoảng 10 năm nay họ có thêm một khoản thu nhập không nhỏ.

 

“Khoán hộ” năm 86


Là người có mặt tại Côn Đảo ngay ngày đầu giải phóng, chuyển ngành từ bộ đội sang công an để tham gia tiếp quản, bảo vệ Côn Đảo và cái duyên đến với nghề cá của ông Lê Văn Kháng bắt đầu vào năm 1986 khi ông được giao nhiệm vụ làm giám đốc xí nghiệp hải sản duy nhất của huyện đảo xa xôi này. Tiếng là giám đốc cho oai chứ thời đó có lẽ chẳng mấy ai muốn nhận nhiệm vụ này bởi phải lo cho 60 con người, trong khi vốn liếng không có, mặt bằng thuê mướn và tài sản duy nhất là 6 con tàu thì tới một nửa không hoạt động được.


 

Sản phẩm của Công ty Coimex.

 

Khó khăn chồng chất tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng với chất lính được tôi luyện trong cả môi trường quân đội và công an, cộng với lời hứa thầm của ông trước hàng vạn vong linh những anh hùng, liệt sĩ ngã xuống tại Côn Đảo, ông Kháng quyết không bỏ nhiệm vụ. Sau thời gian trăn trở suy nghĩ, ông quyết định triển khai một phương án táo bạo ông gọi là “cách làm mới” mà ai cũng phải ái ngại. Đó là đem tài sản của gia đình ông và vận động cán bộ, công nhân xí nghiệp cho “mượn” tài sản thế chấp vay tiền để sửa chữa, nâng cấp tàu, mua sắm máy móc, thực phẩm, ngư lưới cụ, vật tư phục vụ cho đánh bắt cá, lãi chia đôi giữa công ty với thủy thủ. Thực ra, ông nghĩ đây cũng là hình thức giống như “khoán” vì ai cũng có phần trong xí nghiệp nên làm việc có trách nhiệm, hiệu quả hơn và bởi thời điểm đó tôm cá ở biển nhiều, đánh là thắng.


Và quả nhiên, ông Kháng thắng thật. Từ ngày tiếp nhận xí nghiệp (năm 1989 sáp nhập thêm Công ty Sản xuất Kinh doanh XNK Côn Đảo thành Công ty Thủy sản & XNK Côn Đảo) đến năm 1995, Công ty Coimex đã có đội tàu 26 chiếc trang bị hiện đại, đảm bảo đánh bắt dài ngày trên biển, sản lượng tăng và chấm dứt hẳn tình trạng bán trộm hải sản trên biển. Doanh thu công ty từ 2,6 tỉ đồng năm đầu tiên, sau 10 năm tăng lên 106 tỉ đồng, nộp ngân sách cho địa phương hơn 100 tỉ đồng, đời sống cán bộ công nhân viên được nâng lên rõ rệt.


Doanh nghiệp càng lớn mạnh thì trách nhiệm ngày càng lớn. Vừa lo sản xuất kinh doanh, tiếp tế nhu yếu phẩm từ đất liền ra Côn Đảo, vừa lo nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế nhưng, không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, ngày đó, “Hải đội Bến Đầm” do ông Kháng làm Hải đội Trưởng còn góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, do công ty có đội tàu công suất lớn nên ngày đó còn phải kiêm luôn cả nhiệm vụ cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển và đã cứu được rất nhiều ngư dân, nhất là trong cơn bão số 5 năm 1997.


Dấu ấn của ông Lê Văn Kháng đối với Côn Đảo và nghề cá nơi đây càng đậm nét hơn khi ông xây dựng cảng cá Bến Đầm làm nơi neo đậu, tránh trú bão cho bà con ngư dân, bán tôm cá đánh bắt được. Những năm qua, cảng cá Bến Đầm đã trở thành một thương cảng sầm uất của Côn Đảo và từ đó, nghề cá Côn Đảo cũng ngày một phát triển.

 

Biến cá vụn thành vàng


Trước thực trạng cá đánh bắt về chỉ có khoảng 30% xuất khẩu được, còn lại là cá vụn nhiều khi trời mưa không phơi, bán kịp phải đổ đi, ông Kháng đau xót lắm. Nỗi day dứt đã thôi thúc ông đi khắp nơi để học hỏi, tìm giải pháp và may mắn đã đến khi ông phát hiện ra công nghệ chế biến surimi (chả cá) của Hàn Quốc có thể giải quyết được lượng cá vụn này. Vậy là ông vội vàng khăn gói lên đường đi Hàn Quốc để nghiên cứu, tìm hiểu và ngay sau đó nhập dây chuyền về sản xuất trong nước.


Vào những năm cuối của thế kỷ 20, mặt hàng mô phỏng tôm, càng cua, ghẹ, bạch tuộc... làm từ cá của Coimex đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nghề chế biến hải sản và cả nghề cá Việt Nam. Sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, hương vị thơm ngon do Coimex sáng tạo nên đã khuất phục hoàn toàn khách hàng khó tính ở châu Âu và ngay cả thị trường Hàn Quốc, là nơi đã sáng tạo ra công nghệ surimi này. Đơn hàng ùn ùn đổ về khiến ông Kháng phải nâng cấp, xây dựng thêm nhà máy để cung cấp cho khách hàng. Cá vụn ở Bà Rịa - Vũng Tàu không đủ cung cấp, ông phải ra miền Trung và vào miền Tây để thu mua với giá gấp 10 lần đã giải quyết cơ bản tình trạng ngư dân phải đổ bỏ cá vụn đi như trước đây. Từ sản lượng ban đầu là 3.000 tấn surimi/năm, kim ngạch xuất khẩu 3,9 triệu USD, đến năm 2008 đã tăng lên 12.500 tấn, đạt kim ngạch 40 triệu USD.


Từ thành công của Coimex, đã kéo theo nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản Việt Nam nhảy vào lĩnh vực sản xuất surimi; tuy nhiên, chất lượng, thương hiệu và uy tín của Coimex đã thực sự “ngấm” sâu vào người tiêu dùng, đặc biệt là những thị trường truyền thống châu Âu. Chính vì vậy, dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu surimi của Coimex chỉ đạt 25 triệu USD nhưng sang năm 2010 đã tăng ngược trở lại lên hơn 38 triệu USD, năm 2011 lên hơn 42 triệu USD và năm 2012 đạt gần 44 triệu USD, luôn dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm surimi vào thị trường Nga và châu Âu.


Năm nay dù đã ở tuổi 63 nhưng doanh nhân Lê Văn Kháng vẫn tất bật ngược xuôi để chuẩn bị cho ra đời thêm một nhà máy sản xuất surimi tại tỉnh Kiên Giang hoàn toàn bằng vốn tự có và đây là nhà máy thứ 5 của công ty nằm ở 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Trà Vinh. Ông tâm sự, cá vụn là loại cá của ngư dân nghèo nên phải tìm cách giúp ngư dân tiêu thụ với giá cao nhất có thể để đảm bảo cuộc sống.


Từ một doanh nghiệp nhỏ, dưới sự chèo lái của doanh nhân Lê Văn Kháng, đến nay, Coimex đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Coimex đã vượt khỏi tầm địa phương, vươn ra thế giới và thực sự trở thành thương hiệu đáng tự hào của nước ta.


Bài và ảnh: Đoàn Mạnh Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN