Ngành đồ uống Việt Nam: Chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu

Ngành đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới do nhu cầu của thị trường về các loại sản phẩm đồ uống ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành hàng đồ uống sẽ phụ thuộc nhiều vào sự khẳng định về uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm.

Nhu cầu của thị trường rất lớn

Cùng với nhu cầu về các loại nước giải khát ngày càng tăng lên, thị trường nước giải khát cũng ngày càng phát triển.

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ nước giải khát không cồn có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trung bình mỗi năm, một người Việt Nam chỉ uống khoảng 3 lít nước giải khát đóng chai không cồn, trong khi mức bình quân của người Philíppin là 50 lít/năm. Như vậy, thị trường nước giải khát của Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển.

PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.



Nhưng, sự phát triển của thị trường nước giải khát không đều ở tất các dòng sản phẩm. Sản phẩm đồ uống không gas đã tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là xu hướng sản xuất và tiêu thụ chủ đạo trong thời gian tới. Trước sự thay đổi thị hiếu, các doanh nghiệp nước giải khát đã thay đổi cơ cấu sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Gần đây, các DN Việt Nam đã giảm đáng kể việc sản xuất các loại đồ uống có gas, có cồn; thay vào đó là tăng mạnh các loại đồ uống có nguồn gốc thiên nhiên như: trà xanh, trà thảo mộc, nước hoa quả...

Theo giới y khoa, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các loại đồ uống không gas và những loại đồ uống có nguồn gốc thiên thiên giúp tăng cường sức khỏe; người tiêu dùng cũng cho rằng nguyên liệu từ thiên nhiên lúc nào cũng tốt hơn các phẩm màu, hóa chất sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát cũng khẳng định, người tiêu dùng ngày càng quan tâm, lựa chọn sản phẩm nước giải khát có chất lượng, có lợi cho sức khỏe để bảo vệ chính mình. Cũng từ đó, có cầu sẽ có cung.

Khẳng định uy tín thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm

Thị trường đồ uống càng phát triển mạnh thì các DN càng phải quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Theo đại diện của Tân Hiệp Phát, một DN hàng đầu sản xuất nước giải khát của Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường đồ uống ngày càng trở nên khốc liệt và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp càng phải cần không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, nhằm đưa ra những sản phẩm mới có chất lượng cao.

Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát cũng đồng tình, để xây dựng uy tín thương hiệu thì các DN nước giải khát càng phải quan tâm đến việc tạo lập uy tín chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thời gian qua, thông tin về việc một số loại nước giải khát trên thị trường chứa các chất phụ gia độc hại, nguyên liệu hóa học… được các cơ quan chức năng xác nhận thì người tiêu dùng càng quan tâm đến uy tín thương hiệu của DN và sản phẩm.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát sẽ được phát triển theo hướng bền vững, chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong quy hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành rượu bia nước giải khát Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đạt 12%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 13%/năm và giai đoạn 2016-2025 đạt 8%/năm. Trong đó, đến năm 2015, sản lượng sản xuất nước giải khát đạt 4 tỷ lít. Đến năm 2025, sản lượng sản xuất nước giải khát đạt 11 tỷ lít.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư chi phí rất lớn cho những dây chuyền công nghệ sản xuất châu Âu hiện đại bậc nhất thế giới, với công suất 60.000 chai/giờ, đáp ứng năng lực sản xuất mạnh mẽ để cung ứng liên tục cho thị trường. Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm được xem là trung tâm khoa học và ứng dụng phát triển chuyên biệt, từ việc hình thành ý tưởng sản phẩm, thử mẫu kiểm chứng và đưa vào sản xuất thực tiễn, trên tinh thần sáng tạo, khác biệt, đột phá.

Đối với ngành nước giải khát, Bộ Công Thương khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất bằng thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát từ hoa quả tươi và các loại nước giải khát bổ dưỡng.

Bên cạnh đó, mục tiêu của việc quy hoạch ngành bia - rượu - nước giải khát nhằm phát triển theo hướng bền vững, chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, phát triển ngành dựa trên cơ sở huy động nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, tập trung xây dựng một số thương hiệu mạnh quốc gia để cạnh tranh hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để thực hiện định hướng phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát, theo các DN, cần có sự phát triển đồng bộ giữa các bộ, ngành trung ương, trên cơ sở phân định rõ chức năng, trách nhiệm của từng cấp. Việc quy hoạch phải đảm bảo sản lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, phát triển mạnh các thương hiệu hiện có, tăng cường hợp tác quốc tế để có sản phẩm cao cấp phục vụ xuất khẩu.

Phương Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN