"Náo nhiệt” người thêm, kẻ rút vốn di động

Trao đổi với Tin Tức ngày 5/5, lãnh đạo Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhận định: Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng di động của người dân đang ở mức bão hòa, hàng loạt sự đổi mới trong Ban điều hành, góp vốn của một số công ty kinh doanh di động trong thời gian gần đây sẽ hứa hẹn một thị trường viễn thông phát triển sôi động. “Tuy nhiên phải có một quá trình thực hiện mới có thể đánh giá được hiệu quả”, lãnh đạo Vụ Viễn thông chia sẻ.

Góp vốn vì kỳ vọng tiềm năng

Mới đây nhất, Tổng công ty Viễn thông Di động Toàn cầu GTEL và Tập đoàn VimpelCom (một trong những hãng viễn thông lớn của Nga) đã thông báo hoàn tất giao dịch đầu tư vốn cho liên doanh “GTEL-Mobile” (đơn vị quản lý mạng di động Beeline).

Theo đó, VimpelCom dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD cho GTEL - Mobile từ nay đến năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL - Mobile từ 40% lên 49%. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu liên doanh GTEL - Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền.

Nhân viên của mạng VinaPhone hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Theo ông Alexey Blyumin, Tổng Giám đốc của GTEL -Mobile, GTEL có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của thị trường di động Việt Nam và khả năng thành công của công ty. “Chúng tôi cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp những gói cước và dịch vụ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và niềm vui cho mọi người dân Việt Nam”, đại diện GTEL - Mobile chia sẻ.

Trước đó, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) cũng tuyên bố mua lại 35.983.665 cổ phiếu của Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), trong đó có mạng S-Fone. Nếu thực thi, SaigonTel sẽ là cổ đông lớn nhất ở SPT, giữ 30% vốn điều lệ của SPT và tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành của SPT. Số tiền trong thương vụ mua bán giữa SPT và SaigonTel này chưa được tiết lộ.

Nếu nắm giữ được lượng cổ phiếu này, SaigonTel sẽ được quyền trực tiếp tham gia điều hành các dự án trọng điểm hiện nay của SPT trong đó có mạng S-Fone, mạng cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), mạng NGN SPT (mạng thông minh) và mạng truyền dẫn cáp quang. Ngoài ra, SaigonTel còn tham gia điều hành các dự án phát triển cao ốc văn phòng SPT tại các tỉnh, thành trong cả nước như Tòa nhà văn phòng tại Mỹ Đình (Hà Nội), Trung tâm điều hành tại CNC (Thành phố Hồ Chí Minh).

Rút do hiệu quả không như mong đợi

Thời gian qua, giới viễn thông cũng bàn tán xôn xao việc Tập đoàn FPT rút vốn khỏi Công ty viễn thông Điện lực (EVN Telecom). Mặc dù vậy, đại diện FPT vẫn kỳ vọng việc tìm kiếm cơ hội khác trong mảng viễn thông di động.

Dư luận cũng đã đặt ra khá nhiều câu hỏi lý do việc rút lui dự án đầu tư vào EVN Telecom. Một cán bộ của Bộ TT-TT đã đưa ra quan điểm riêng: Một trong những lý do là FPT không được nắm giữ cổ phần chi phối tại EVN Telecom. Vì theo phương án cổ phần hóa EVN Telecom do Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn nắm giữ cổ phần chi phối với 50,6%, số cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 0,4%. Còn lại 49% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Trương Đình Anh, FPT tiến hành dự án đầu tư vào EVN Telecom theo 4 bước, gồm xin chủ trương cho phép từ Chính phủ, đặt cọc chứng minh năng lực tài chính, tiến hành thẩm định hiện trạng EVN Telecom (due diligence) và thương lượng hợp đồng đầu tư. Sau khi tiến hành bước 3 (tiến hành thẩm định hiện trạng EVN Telecom), FPT thấy hiệu quả đầu tư vào dự án này không như mong đợi. Do vậy, Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã biểu quyết thông qua Nghị quyết rút khỏi dự án đầu tư vào EVN Telecom.

Đại diện FPT cũng cho rằng: Khi tiến hành đầu tư vào EVN Telecom, FPT mong muốn bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh viễn thông di động mà FPT đang thiếu. Rút lui khỏi EVN Telecom, FPT phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác để tham gia vào thị trường viễn thông di động trên cả hai lĩnh vực: Mua bán sáp nhập những doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn hoặc xin cấp phép xây dựng mạng di động thế hệ tiếp theo.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN