Nâng cao chuỗi giá trị cá tra xuất khẩu

Các chuyên gia nhận định, nghề nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chắc chắn tới đây sẽ còn bị các nước cạnh tranh quyết liệt bằng cách đưa ra các rào cản mới.


Điều này đòi hỏi toàn vùng phải tổ chức, sắp xếp lại nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra; các doanh nghiệp chế biến phải cùng với người nuôi liên kết lại nhằm đưa sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới…

­Thế mạnh “độc nhất vô nhị” của con cá tra ĐBSCL

Dự án “Phát triển thực hành nuôi tốt hơn cho nghề nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long”, do chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (CARD) của AusAID tài trợ, đã đánh giá về nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL như sau: “Nghề nuôi cá tra đúng là “độc nhất vô nhị” của ngành nuôi trồng thủy sản thế giới. Hệ thống nuôi có thể đạt năng suất trung bình 300-400 tấn sản phẩm/ha/vụ, mỗi năm nuôi được 2 vụ, đạt kỷ lục trong mọi ngành sản xuất nông nghiệp trên thế giới.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Bianfishco (Cần Thơ).


Diện tích ao nuôi ĐBSCL chỉ xấp xỉ 5.400 ha nhưng sản phẩm lại bằng 65% tổng sản phẩm nuôi trồng ở châu Âu; tạo ra sinh kế cho người nghèo và người sống vùng nông thôn (đặc biệt là phụ nữ làm trong các cơ sở chế biến) so với các vùng nuôi trồng khác trên toàn thế giới. Ao nuôi có độ sâu từ 4 - 4,5 m và thường xuyên được thay nước từ nguồn nước sông Cửu Long và sông nhỏ, kênh rạch…”.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc, từ chỗ nuôi dạng nhỏ lẻ, đến nay đã phát triển thành quy mô lớn, được kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra nên chất lượng cá rất tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang cho biết, lúc đầu, người nuôi cá tra dựa vào con giống thiên nhiên thì nay gần như toàn bộ dân nuôi cá đã lai tạo thành công con giống nhân tạo, đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, tỉnh An Giang đã hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung, 5 công ty là Công ty Agifish, Afiex, Asia Feed, Việt An và Ntaco đã ký kết hợp đồng sản xuất nuôi trồng thủy sản với ngư dân với tổng diện tích 253,7 ha mặt nước, tương ứng sản lượng 155.700 tấn/năm, theo các tiêu chuẩn SQF 1000 CM, Global GAP.


Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Thuận An đang hoàn tất các bước xây dựng vùng nguyên liệu có sản lượng trên 20.000 tấn cá tra/năm theo tiêu chuẩn Global GAP. Tỉnh An Giang đang khuyến khích nhân rộng các mô hình trên, giúp cho ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, chủ động nguồn nguyên liệu cá tra đạt tiêu chuẩn trong thời gian tới, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, người đã có nhiều nghiên cứu về môi trường nuôi cá tra ở ĐBSCL, các chất thải từ ao hầm nuôi cá thải ra bên ngoài đều bảo đảm tiêu chuẩn cho phép.

Đưa cá tra vào phát triển bền vững

Ngành công nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã và đang khẳng định thế mạnh. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến; giá thức ăn nuôi cá liên tục tăng cao; nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật của các nước nhập khẩu đặt ra làm ảnh hưởng đến sản lượng cá tra xuất khẩu.

Thu hoạch cá tra tại huyện Châu Phú (An Giang).


Mặc dù vấp nhiều rào cản, nhưng thị trường xuất khẩu cá tra liên tục được mở rộng. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất khẩu hiện ở mức 3 USD/kg và có khả năng sẽ tăng nữa.


Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng vừa phải, bởi dự đoán được giá sẽ tăng trong thời gian tới... Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết lại, thống nhất giá sàn xuất khẩu, tạo ra vùng nuôi an toàn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính, tránh thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người nuôi.

Ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Cá tra là thế mạnh của vùng sông nước ĐBSCL, hiện nay sản phẩm cá tra được người tiêu dùng các nước ưa chuộng. Thị trường xuất khẩu cá tra không ngừng mở rộng, năm 2008 xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng hoạt động xuất khẩu cá tra vẫn duy trì tốt. Hiện tại, đầu ra của cá tra ổn định nên kim ngạch xuất khẩu những tháng qua đều tăng.


Tuy nhiên, do các doanh nghiêp thiếu sự đoàn kết, không đầu tư chiều sâu, mạnh ai nấy bán, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát… là nguyên nhân để các nước nhập khẩu “ép giá”. Theo ông Chiếu, muốn phát triển bền vững toàn vùng phải giải quyết chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến và xuất khẩu. Đã đến lúc phải sắp xếp, định hình lại nghề này.

Thạc sỹ Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho rằng: Để đưa con cá tra vào xu thế phát triển bền vững, Nhà nước cần quy định giá sàn nguyên liệu, thức ăn nuôi cá tra, giá sàn cá tra nguyên liệu và giá sàn xuất khẩu cá tra thành phẩm. Các ngành hữu quan sớm hoàn thành việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam để bảo vệ bản quyền và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường.


Không chỉ vậy, thương hiệu đủ mạnh sẽ dễ dàng tiến tới việc định giá và đấu thầu xuất khẩu sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống; ban hành quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật cho cá tra nguyên liệu, thức ăn nuôi cá tra...

Điều đáng mừng là hiện nay nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang thực hiện theo mô hình liên kết “4 nhà”. Các nhà khoa học liên tục nghiên cứu và đưa vào thực tiễn các phương pháp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra. Phần lớn doanh nghiệp chế biến cá tra lớn trong vùng đều xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy, ứng dụng các kỹ thuật nuôi an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế vào vùng nuôi như đánh mã vạch trên cá tra ở An Giang.


Người nuôi luôn tìm tòi, ứng dụng các kỹ thuật mới, đảm bảo các tiêu chí chế biến xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các tỉnh, thành ở ĐBSCL có diện tích nuôi lớn đều có quy hoạch vùng nuôi và khuyến cáo người nuôi tập trung sản xuất an toàn, liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu quy mô lớn, ổn định.

Lê Hiền - Quốc Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN