'Một cửa hải quan' giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp

Cơ chế này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, mà còn giúp cải cách thủ tục hành chính...

Khởi động từ năm 2011 đến nay theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW), cơ chế này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, mà còn giúp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh của cơ quan quản lí Nhà nước. Đồng thời là tiền đề quan trọng để Việt Nam kết nối hội nhập quốc tế thông qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Tuy nhiên, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, một cửa ASEAN thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện và mở rộng để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại.

Người dân làm thủ tục xuất nhập cảnh tại mô hình "Một cửa, một lần dừng". Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đại diện Tổng cục Hải quan- Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về NSW, ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan cho biết khi triển khai Cơ chế sẽ mang lại những hiệu quả to lớn trong cải cách hành chính, cũng như những lợi ích cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân.

Thông qua Cơ chế này doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giảm được chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan. Từ đó, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hải quan Hải Phòng, đơn vị đang làm thủ tục cho khoảng 17.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với khoảng 6.000 tờ khai hải quan mỗi ngày. Đây là một trong những địa phương đầu tiên được Tổng cục Hải quan chọn làm thí điểm thủ tục cho tầu xuất nhập cảnh trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia từ ngày 12/11/2014.

Trải qua gần 3 năm triển khai, ông Nguyễn Kiên Giang, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện việc làm thủ tục cho tầu xuất nhập cảnh đã đi vào ổn định và phát huy được hiệu quả. Nếu như trước đây doanh nghiệp khi có tầu xuất cảnh hay nhập cảnh thì phải chuẩn bị 5 bộ hồ sơ cho 5 cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng hiện nay không phải xuất trình hồ sơ giấy mà toàn bộ thông qua hệ thống mạng.

Bên cạnh đó, thay vì mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục tầu xuất nhập cảnh xong thì mới được bốc dỡ hàng hóa lên bờ thì hiện nay, các chủ tầu có thể khai báo trước và cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý có thể đưa ra chỉ lệnh trước khi tầu đến để khi tầu đến có thể làm hàng được ngay. Cơ chế này còn tạo điều kiện đáng kể cho việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Bà Lã Thanh Hiền, Đại lý dich vụ hải quan và Vận tải tại Hải Phòng cho biết, trước đây khi làm các thủ tục như hoàn thuế thì công ty phải nộp hồ sơ giấy lên cơ quan hải quan nhưng nay chỉ cần đăng kí trên cổng thông tin một cửa mà không cần phải mang bản giấy. Điều này đã giúp cho công ty giảm thiểu rất nhiều trong thời gian và chi phí đi lại.

Theo ông Nguyễn Kiên Giang, việc doanh nghiệp khai báo qua hệ thống mạng giúp cơ quan hải quan giảm được lượng người tiếp nhận những thủ tục do người dân và doanh nghiệp xuất trình cũng như giảm bớt lượng giấy tờ khai báo. Đồng thời, khi cơ quan hải quan tiếp nhận các kết quả của các cơ quan quản lý chuyên ngành mang tính xác thực và chính xác hơn, chống làm giả.

Còn đối với đường hàng không, NSW đã được thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cảng này có lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh hành lý, hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước. Bình quân mỗi ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho 230 chuyến bay với khoảng 32.000 hành khách.

Mới đây nhất, thực hiện kế hoạch của Tổng cục Hải quan về việc lắp đặt đưa vào sử dụng hệ thống soi ngầm hành lý tại ga đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, (tháng 3/2017), Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đưa hệ thống máy soi ngầm vào sử dụng thí điểm nhằm phục vụ quản lý hành khách nhập cảnh.

Theo ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, áp dụng hệ thống máy soi này, trên 95% hành khách nhập cảnh được thông quan luồng xanh. Theo đó, hành khách sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh từ Công an cửa khẩu, chỉ việc lấy hành lý ký gửi tại các băng chuyền và ra về, thay vì phải đưa qua khu vực máy soi hành lý của cơ quan hải quan để kiểm tra như trước đây.

Anh Nguyễn Anh Tú, một hành khách tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ khi việc phân luồng của cơ quan hải quan dành cho khách nhập cảnh được áp dụng đã giúp cho anh không bị mất thời gian chờ đợi hành lý đi qua máy soi hải quan như trước đây.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường hàng không, từ tháng 4/2017 chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cho 41 thủ tục hải quan ở cấp độ 3.

Theo bà Vũ Thị Xuân Dung, Phó đội trưởng đội hàng hóa nhập khẩu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, dịch vụ công trực tuyến này tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu trước đây ngoài những dịch vụ mà doanh nghiệp phải khai trên VNACC/VCIS thì những dịch vụ còn lại doanh nghiệp phải mang trực tiếp đến cơ quan hải quan.


Các công chức hải quan sẽ kiểm tra trực tiếp nếu đủ sẽ tiếp nhận hồ sơ thì nay chỉ cần ngồi tại nhà với các thiết bị có nối mạng Internet thì doanh nghiệp có thể truyền thông tin đến cơ quan hải quan. Ví dụ như hủy tờ khai, khai bổ sung, hoàn thuế … là cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận và phản hồi đúng đủ hay thiếu để doanh nghiệp được biết.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia việc rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp trong hoàn tất thủ tục hải quan vẫn còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ hạn chế cơ sở hạ tầng thông tin.

Anh Nguyễn Văn Tú, nhân viên xuất nhập khẩu tại Hải Phòng cho biết trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc bởi phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin điện tử, do đó nhiều lúc doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu lấy mã vạch, lấy chip mã vạch, cập nhật thông tin. Chính vì phụ thuộc quá nhiều vào cơ sở hạ tầng điện tử nên nhiều lúc nghẽn mạng, lỗi mạng thì doanh nghiệp có thể chờ mất từ một đến hai ngày để hoàn thiện được thủ tục.

Thêm vào đó thời gian thông quan cũng chưa rút ngắn tối đa do các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành cũng như sự thiếu đồng bộ trong thủ tục thông quan.

Ông Nguyễn Kiên Giang cũng thừa nhận một số thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa được đăng kí trên hệ thống một cửa quốc gia do vậy một số thủ tục được thực hiện trên một cửa quốc gia nhưng một số thủ tục vẫn phải thực hiện thủ công. Tức là doanh nghiệp vẫn phải đến các cơ quan quản lý chuyên ngành và đến cơ quan hải quan.

Để triển khai thành công cơ chế này ngoài sự nỗ lực của Tổng cục Hải quan thì vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành ý nghĩa quyết định. Theo ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, các bộ, ngành sẽ là nơi xác định mục tiêu và lộ trình triển khai các thủ tục hành chính của cơ quan mình trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

"Vì vậy, việc quyết định triển khai thủ tục nào trước, thủ tục nào sau sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như hoạt động thương mại nói riêng, đồng thời ảnh hưởng đến mục tiêu tổng thể về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đến năm 2020", ông Phương nói.

Thùy Dương (TTXVN)
Điện tử hóa giao dịch thuế, hải quan để ngăn ngừa tiêu cực
Điện tử hóa giao dịch thuế, hải quan để ngăn ngừa tiêu cực

Bộ Tài chính đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để chấm dứt yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy; thay vào đó, sẽ áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính để ngăn ngừa tiêu cực, gian lận thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN