Kinh doanh nhượng quyền - xu thế phát triển mới

Những dự báo về xu hướng phát triển của ngành kinh doanh nhượng quyền (franchise) tại Việt Nam tạo nên hai trạng thái cảm xúc - lạc quan và lo ngại. Tuy nhiên, chính sức hút của dân số trẻ, năng động sẽ là một trong các yếu tố thúc đẩy nhượng quyền thương mại tại Việt Nam tăng mạnh.

Sức nóng của thị trường

Với một ngành kinh doanh non trẻ có triển vọng như nhượng quyền thương hiệu thì tốc độ tăng trưởng từ 25 - 30%/năm trong các năm sắp tới là có thể được, ông Lý Quý Trung, Tổng Giám đốc Công ty Phở 24 cho biết.

Khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực tại quán phở 24


Bổ sung cho nhận định này, có thể tham khảo danh mục 10 ngành kinh doanh đang hồi phục và có thể phát triển mạnh trong năm sau do các chuyên gia kinh tế Ấn Độ bình chọn... Trong đó, bán lẻ được tính đến vì dự đoán các nước đang phát triển nổi lên một làn sóng tiêu dùng mới, đó là những người trẻ tuổi có thu nhập cao. Chính sức hút của dân số trẻ, năng động là một trong các yếu tố thúc đẩy ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại tại Việt Nam tăng mạnh.

Tuy nhiên, phải ghi nhận, thực tế hàng chuỗi cửa hàng KFC, Lotteria rồi BBQ… đang cạnh tranh sát ván đã phần nào tác động đến kết quả kinh doanh của nhiều DN trong nước. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các thương hiệu lớn đổ bộ vào Việt Nam nhanh nhất đều theo đường nhượng quyền thương hiệu. Họ có bề dày thương hiệu, có năng lực tài chính đi đôi với kinh nghiệm và điều quan trọng, họ thường nghiên cứu rất kỹ trước khi “xuất quân”.

Thước đo của sự hội nhập hay của đời sống kinh tế - xã hội phần nào thể hiện bằng những thương hiệu toàn cầu đang hiện diện ngày một nhiều tại thị trường Việt Nam…

Những con số mà Hiệp hội Kinh doanh nhượng quyền Việt Nam đưa ra có thể mang lại sự lạc quan về tốc độ phát triển. Thế nhưng, nhìn sâu sa hơn, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại đến số phận của các DN nội. Trước đây, cà phê Trung Nguyên nổi bật với chuỗi cửa hàng mang phong cách riêng trên toàn quốc. Sau đó Trung Nguyên bị ép bởi sự nhập cuộc của HighLand. Các đại gia ngoại đến sau đã không bỏ lỡ thời gian để chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn như thương hiệu cà phê nổi tiếng của Ôxtrâylia - Gloria Jean đã tiến vào thị trường Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với Công ty Viet Lifestyle. Starbucks Café cũng đã nhập cuộc… Có thể nói, các vị trí đắc địa đều đã bị các đại gia ngoại thôn tính, ngay trong tay của các DN nội. Thực tế này khiến cho các DN nội phải hành động một cách sáng tạo và phải gia tăng thêm nhiều giá trị đến khách hàng.

Chắc sân nhà…

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Trung, nhượng quyền thương hiệu ngày càng phát triển mạnh mẽ vì hai điểm: Chi phí thấp và ít rủi ro (tổng kết của Hiệp hội Liên hiệp chuyển giao thương hiệu quốc tế - IFA), và việc chia sẻ gánh nặng về quản lý khi một DN nào đó muốn mở rộng thương hiệu ra nhiều thị trường.

Lời khuyên mà ông Lý Quý Trung đưa ra là: Nhượng quyền thương mại là cách để tăng sức mạnh cho các thương hiệu Việt Nam và cũng chính là cách tốt nhất để quảng bá cũng như tạo nội lực cho thương hiệu đó. Muốn vậy DN cần củng cố vững chắc hệ thống đại lý nhượng quyền.

Nhiều DN kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM đang có kế hoạch mở cửa hàng thức ăn nhanh (fastfood), sau đó sẽ nhượng quyền, mà hai đơn vị tiên phong là Kinh Đô và Vissan. Công ty Cổ phần Kinh Đô cũng là một trong những DN rất thành công với mô hình này, với mạng lưới hơn 150 nhà phân phối và trên 30.000 điểm bán lẻ rộng khắp trên cả nước. Ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), một cửa hàng Kinh Đô vốn rất bề thế. Một ngày, người ta thấy, biển hiệu gỡ xuống, và không lâu sau đó là hình của ông già đeo tạp dề - biểu tượng giờ quá quen thuộc của KFC. Nhưng cũng không lâu sau đó, cách một quãng đường, lại thấy Kinh Đô xuất hiện, tuy có khiêm tốn hơn nhưng vẫn là một sự hiện diện. Chỉ một đoạn đường cho thấy sự giằng co trong cạnh tranh và cũng cho thấy, có những DN nội ý thức rất rõ việc bám thị trường như thế nào.

Thế nhưng ông Lý Quý Trung cũng chia sẻ, phát triển hệ thống nhượng quyền của DN Việt Nam không nên làm theo kiểu phong trào, mà phải là một sự phân tích kỹ càng mọi vấn đề và làm ăn bài bản để tạo ra sự khác biệt trong tâm trí khách hàng nhằm cạnh tranh bền vững với hệ thống của nước ngoài. Bởi hệ thống nhượng quyền có thể suy sụp rất nhanh do hiệu ứng dây chuyền đặc trưng.

Khai phá sân khách

Hiện nay một xu hướng đang ngày một mạnh lên - nhượng quyền thương hiệu tại các thị trường ngoài nước. Bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc của Bình An fishco mới cho biết, lô hàng đầu tiên của công ty đã chính thức ra thị trường, bắt đầu đưa thương hiệu này vào thị trường Francisco (Mỹ). Với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu USD, và sẽ tăng lên khoảng 30 triệu USD, trong giai đoạn từ nay đến năm 2012 cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với thương hiệu Bianfish, việc đặt chân lâu dài tại thị trường Mỹ đã bắt đầu.

Bước kế tiếp sẽ là đầu tư chế biến thức ăn tại Mỹ từ nguồn nguyên liệu của Việt Nam thay vì nhập khẩu toàn bộ. Bản thân Phở 24 cũng đã thực hiện nhượng quyền thương hiệu ở mấy châu lục và cũng tự tin vào con đường này, cho dù ông Trung khẳng định: “Nhượng quyền ra nước ngoài khó khăn nhiều hơn so với trong nước”.

Đó là thị hiếu tiêu dùng có nhiều khác biệt, vì vậy phải làm sao để giữ được bản sắc riêng của DN nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu, văn hóa, tranh thủ thiện cảm và có sự chấp nhận của người tiêu dùng nước sở tại. Bà Diệu Hiền đưa ra lưu ý duy nhất, bảo tồn giá trị thương hiệu là sống còn. Muốn vậy, chi nhánh được nhượng quyền phải hoạt động tốt. Chính vì vậy vấn đề huấn luyện, chuyển giao kinh nghiệm cần phải được chú trọng. Tuy nhiên, nếu ở trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn thì những chi nhánh nhượng quyền ở nước ngoài còn khó khăn gấp nhiều lần.

Vậy nên theo ông Nguyễn Văn Trung, những quy định của pháp luật nước sở tại là rất ngặt nghèo, DN Việt Nam còn chưa hiểu về vấn đề này nên gặp nhiều khó khăn. Thêm một cái nền không vững chắc nữa mà các DN không dám nhượng quyền ồ ạt, đó chính là nền tảng pháp luật về nhượng quyền của Việt Nam chưa thật vững chắc nên dễ phát sinh các tranh chấp về ăn chia, về ý tưởng... Chính vì vậy, xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc cho nhượng quyền thương hiệu là một yêu cầu cấp bách hiện nay.


Nếu các DN nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì sẽ mất thời gian và kinh phí cho việc tìm hiểu và xây dựng hệ thống phân phối. Ngoài ra, họ còn vấp phải trở ngại trong quy định của Việt Nam đối với đơn vị bán lẻ 100% vốn nước ngoài (nếu mở cửa hàng thứ hai tại Việt Nam sẽ phải xin giấy phép mới). Vì vậy, các đơn vị nước ngoài tìm cách liên kết với DN trong nước để nhượng quyền kinh doanh thương hiệu. Lợi thế của những DN trong nước là sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng, luật pháp… Với kinh phí trung bình khoảng 300 - 500 nghìn USD là có thể trở thành một đơn vị nhượng quyền thứ cấp cho một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Luật Nhượng quyền thương hiệu mới của Việt Nam cho phép sử dụng luật pháp nước ngoài để điều chỉnh quan hệ nhượng quyền thương hiệu, trong khuôn khổ quy định của pháp luật. (Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Trung tâm Thông tin nhượng quyền thương mại Việt Franchise).



Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN