Huế: Doanh nghiệp thờ ơ với nhãn hiệu và kiểu dáng

Kết quả khảo sát 280 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, chỉ có từ 14,3 -28,6% doanh nghiệp chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Số còn lại thì "gặp chăng hay chớ" nên càng thua thiệt mỗi khi nhãn hiệu hoặc kiểu dáng bị vi phạm.


Hiện ở Thừa Thiên - Huế, chỉ có 38 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm; trong khi có tới 1.505 số doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm. Điều đáng lưu ý là, doanh nghiệp có doanh thu càng thấp thì càng ít chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đây cũng là hệ quả của lối làm ăn nhỏ, lẻ.


Vì thế, sản phẩm làm ra chưa đủ mạnh, chưa có tính cạnh tranh cao và không chiếm lĩnh được thị trường. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: doanh nghiệp thiếu thông tin về sở hữu trí tuệ, thiếu sự tư vấn từ các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ, e ngại tốn thời gian và kinh phí. Đồng thời, thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý do thủ tục đăng ký phức tạp...


Khắc phục tồn tại trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành các dự án "Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế cho sản phẩm thanh trà"; đồng thời "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Huế" cho nhóm dịch vụ ẩm thực cung đình Huế, hoàn thành trong năm 2012.


Một số sản phẩm khác như: nón lá của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; các nhãn hiệu tập thể như kiệu Hương Chữ, nước mắm Phong Hải, nón lá Mỹ Lam, nước mắm Làng Trài, dầu tràm Lộc Thủy cũng đã được cấp giấy chứng nhận và nhiều nhãn hiệu tập thể khác đang tiến hành để được công nhận trong thời gian tới đây.


Thực tế ở Thừa Thiên - Huế giá trị hàng hóa tăng vọt khi được bảo hộ bằng việc đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm "Thanh trà Huế" do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện. Từ 53 hộ ban đầu, hiện đã có 106 trong tổng số 750 hộ trồng thanh trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hội đủ điều kiện được bảo hộ nhãn hiệu "Thanh trà Huế". Để được trao quyền bảo hộ nhãn hiệu "Thanh trà Huế", hộ trồng thanh trà phải có đủ các tiêu chuẩn như: mỗi cây thanh trà phải có ít nhất 150 quả; mỗi quả có trọng lượng từ 0,7 kg trở lên; có đủ độ ngọt...


Những hộ trồng thanh trà trong vùng còn được tập huấn, cung cấp tài liệu, trang bị kiến thức về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng nhãn hiệu... Sau khi được bảo hộ, mỗi kg thanh trà mang nhãn hiệu có giá 26.000 đồng, gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với sản phẩm không được bảo hộ nhãn hiệu. Thanh trà được bảo hộ cũng đã được tiêu thụ mạnh ở thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác...



Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN