Giải cứu doanh nghiệp cần sự đồng bộ

“Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển” do Học viện Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tổ chức ngày 16/8 là chủ đề không mới nhưng vẫn gây chú ý cho dư luận bởi nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp trở ngại lớn do hàng tồn kho cao.

 

Công ty TNHH Thành Xuân Phú ở thị trấn Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nói: “Dường như NHNN đơn độc trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN bởi Đề án các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN đang được Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ có vẻ không mới so với các biện pháp mà NHNN đã đưa ra từ lâu”.

 

Cần sự phối hợp chặt chẽ


Theo dự thảo Đề án, 10 trọng tâm trước mắt được Bộ Công Thương đưa ra là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho; tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển kinh doanh; duy trì tăng trưởng và phát triển; đẩy mạnh xuất khẩu; khai thông thị trường; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và những hàng hóa trong nước đã sản xuất được; phát triển thị trường trong nước; kích thích tiêu thụ hàng hóa; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, xuất nhập khẩu.


Bộ Công Thương cũng đưa ra 4 kiến nghị lớn tập trung vào các lĩnh vực: Thuế; phí; lãi suất vốn vay cũng như có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với một số ngành… Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ: “Các biện pháp NHNN làm rồi nhưng Bộ Công Thương lại đưa vào phần kiến nghị. Nếu thiếu sự phối hợp thì sẽ không hiệu quả”.


Không thể phủ nhận sự rốt ráo hành động của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc “giải cứu” DN. Với Bộ Công Thương thì đây là ngành hiểu rất rõ những khó khăn của DN trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng: Các bộ nên ngồi với nhau để đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ nhau cùng thực hiện để giúp DN thiết thực và hiệu quả hơn.


Thừa nhận Đề án sẽ có độ trễ nhất định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, để chậm ngày nào sẽ thiệt hại cho DN ngày đó, thậm chí sẽ cản trở mục tiêu, kế hoạch 2012 của nền kinh tế. Vì vậy, việc khắc phục độ trễ sẽ phụ thuộc vào ý chí, mong muốn chủ quan của cộng đồng DN và các bộ, ngành... “Trong đề án này có đưa ra một số kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ ngay lập tức, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Làm sao để DN tiếp cận với vốn có mức lãi suất tốt, tiêu thụ ngay được sản phẩm, đó là sự khác biệt so với các giải pháp trước đây mang tính chất vĩ mô đối với khâu hậu sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.


Theo NHNN, chính sách tín dụng của ngân hàng đang đi đúng hướng và từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN nói riêng, nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, để nhận diện những khó khăn, thách thức trong hoạt động tín dụng ngân hàng hiện nay cần phải có các giải pháp đồng bộ từ các bộ, cơ quan, địa phương.

 

Hạ lãi suất khoản vay cũ: Nên quan tâm tới DN yếu


Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: Từ đầu năm tới nay, NHNN đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về mức tối đa 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11 - 13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12 - 15%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường.


Tỏ ra rất hào hứng với chủ trương hạ lãi suất, Giám đốc Công ty Thiên Ngọc An - Doãn Huy Tuấn nói: “Chúng tôi đã có thêm động lực để kinh doanh. Là khách hàng của Ngân hàng Đại Dương, DN đã được giảm lãi suất và được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm để mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ rất thận trọng để xem sự thẩm thấu đồng tiền vay như thế nào trong thời gian tới. Mở rộng kinh doanh phải sử dụng vốn trung hạn chứ không phải vốn vay ngắn hạn”.


Theo đại diện Tổng công ty Sông Hồng chuyên về lĩnh vực xây dựng, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho Tổng công ty xuống mức 15%/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với DN. Với đặc thù kinh doanh dịch vụ xây lắp nên thường có độ trễ về thời gian trong quá trình nghiệm thu, chủ đầu tư thường giữ lại một khoản tiền nhất định trong quá trình bảo hành công trình. Vì vậy theo Tổng công ty Sông Hồng, trong thời gian này nếu có công trình mới, DN sẽ gặp khó khăn về vốn. Đại diện DN này đã đề xuất ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để thực hiện công trình mới trong quá trình thu nợ.


Thế nhưng, một số đại biểu dự buổi tọa đàm cảm nhận rằng: Một số DN tham gia tọa đàm này thường là những DN “khỏe” và là khách hàng “ruột” của ngân hàng. Vì vậy, TS Vũ Đình Ánh nói: “Một số ngân hàng đã giảm khoản vay cũ xuống dưới 15% cho DN hoạt động tốt. Còn đối tượng DN đang vật lộn với khó khăn thì sao? Mục tiêu giảm lãi suất cũ để giảm bớt gánh nặng đáng nhẽ giải quyết khó khăn cho họ thì lại ưu tiên DN đang hoạt động tốt”.


Thế nhưng ngành ngân hàng lại có lý giải riêng của họ: Ngân hàng cũng là DN, tiền gửi còn là tài sản của dân nên những DN hoạt động an toàn, nghiêm túc và có định hướng kinh doanh có sự “tươi sáng” thì mới cho vay cũng như khắc phục phần khó khăn cũ để tạo cơ hội mới cho DN duy trì phát triển. Như vậy đến nay, vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.


Theo TS Vũ Đình Ánh, để giải quyết bài toán tồn kho cho DN, DN nên có chương trình giảm giá mạnh hơn nữa, thậm chí là cho không để sản xuất mới. TS Ánh cho rằng: Phương án này sẽ rất khó khả thi bởi DN sẽ phải giải thích ra sao với ngân hàng - ông chủ nợ và NHNN sẽ phải ứng xử thế nào khi ngân hàng thương mại báo cáo tài chính về tình trạng này. Cách tiếp theo là tạo thu nhập cho người tiêu dùng, tức là cho vay để mua hàng hoặc mua chịu. “Tuy nhiên ngân hàng cũng đừng gài bẫy người tiêu dùng mà phải sát cánh với họ để đánh giá và phân tích các khoản vay mới có trả được không thay vì DN nợ giờ lại chuyển sang người tiêu dùng nợ. Cái này cần phải bàn kỹ”, ông Ánh nói.



Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN