Đưa dịch vụ viễn thông về bản làng

Các doanh nghiệp thường rất “ngại” đưa hàng hóa, dịch vụ về vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thì lại quyết định “vượt núi, băng rừng” để đưa dịch vụ viễn thông đến buôn làng.


Từ hơn 1 năm nay, kể từ khi gói cước Tomato Buôn làng được triển khai, Viettel đã hiện thực hóa cam kết đem lại những giá trị tốt nhất đến khách hàng ở những nơi xa xôi và khó cung cấp dịch vụ nhất.


Xóa rào cản ngôn ngữ


Tại ngày hội Bản làng “Sắc xuân Tây Bắc” do Ủy ban Dân tộc và Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức mới đây tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 4 vừa qua, các gian hàng của Viettel thu hút rất nhiều bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… Có mặt tại ngày hội, bà con dân tộc tha hồ ngắm nhìn các tấm biển quảng cáo đầy màu sắc với hình ảnh những cô gái dân tộc xinh đẹp đang sử dụng điện thoại dịch vụ viễn thông. Bà con còn chen chân xếp hàng chờ để được tư vấn và đăng ký sử dụng các dịch vụ viễn thông do nhà mạng Viettel cung cấp.

 

 

Nhân viên Viettel hướng dẫn bà con trải nghiệm dịch vụ viễn thông.


Chỉ tay vào tấm băng rôn có ghi dòng chữ bằng tiếng dân tộc: “Bộ tính năng di động poáy ngần cón lần páo - Bặng Cằm Tày Nùng: Tư vấn khan tào trực tiếp bằng cằm Tày Nhùng đaư cá vằn…hay Tomato quêl mường: Điện thoài vêl laang…”, anh Nông Văn Lập, người dân tộc Tày ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn dịch nhanh những dòng chữ quảng cáo, giúp chúng tôi hiểu đây là bộ tính năng di động dành riêng cho đồng bào dân tộc, có hỗ trợ trực tiếp bằng tiếng Tày, Nùng.


Anh Nông Văn Lập phấn khởi cho biết thêm: Hiện nay, gói cước này có hỗ trợ người sử dụng bằng tiếng dân tộc nên bà con sử dụng rất dễ dàng. Tôi thích nhất là các chương trình nghe nhạc bằng tiếng dân tộc, tư vấn làm nông nghiệp.

 

 


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà mạng Viettel cung cấp gói cước Tomato Buôn làng từ hơn 1 năm nay. Đây là nhà mạng duy nhất phát triển dịch vụ viễn thông dành riêng cho người dân tộc, giúp bà con được tiếp cận dịch vụ viễn thông để gắn kết tình cảm với người thân, mở rộng kênh tiếp cận thông tin xã hội.


Theo đó, gói cước này có hỗ trợ bằng 9 ngôn ngữ của 20 dân tộc là Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, Mường, Ê đê, Ban na, Gia rai, Khmer…. Thuê bao đăng ký sử dụng sẽ được nghe tổng đài viên tư vấn tiếp bằng tiếng dân tộc 24/24 giờ; được tặng ngày sử dụng vào những tháng khó khăn; được tổng đài hỗ trợ miễn phí… Hiện nay đã có gần 2 triệu thuê bao sử dụng Bộ tính năng Buôn làng.


Để bà con tin dùng dịch vụ


Trong lúc các hoạt động của lễ hội Sắc xuân diễn ra náo nhiệt thì những nhân viên người dân tộc thiểu số trong màu áo đồng phục của Viettel cũng tất bật với công việc của mình. Khi thì có mặt ở các gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, lúc thì có mặt tại bàn đón tiếp, ghi hồ sơ hoặc phiên dịch cho bác sỹ trong buổi khám bệnh miễn phí cho già làng, trưởng bản Tây Bắc và đồng bào dân tộc ở Lào Cai…

 

Cụ Giàng Thị Sua 80 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Sử Pán, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã vượt 17 km để đến khám sức khỏe trong ngày hội “Sắc xuân Tây Bắc”.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, bà Phạm Thị Thanh Vân - Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết: Những “nhân viên đặc biệt” này thuộc bộ phận tổng đài giải đáp tiếng dân tộc thiểu số của Viettel. Với quân số gần 120 người, bộ phận này chịu trách nhiệm trực 10 tổng đài tiếng dân tộc (Khmer, Giarai, Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường, Ba Na, Ê đê, H'rê) và sắp tới sẽ mở rộng ra các lĩnh vực giải đáp thông tin kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc. Sự có mặt của các tổng đài viên thông thạo tiếng dân tộc giúp Viettel có nhiều thuận lợi trong việc đưa dịch vụ viễn thông đến với đồng bào vùng cao.


Nhân viên Lê Thị Liễu công tác tại Trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel ở Hà Nội chia sẻ: “Em từng học ở trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc nên có lợi thế biết thêm tiếng Thái. Qua tiếp xúc với bà con dân tộc, khá nhiều người còn bỡ ngỡ, ngại ngùng khi nghe về dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, khi thấy bộ tính năng có sự hỗ trợ bằng chính ngôn ngữ của mình thì bà con rất phấn khởi”.


Theo chị Lại Thị Sự, Trưởng ban Chăm sóc khách hàng, Chi nhánh Viettel Điện Biên, Viettel Điện Biên đang cung cấp 2 gói cước có hỗ trợ tiếng dân tộc Mông và dân tộc Thái. Để bà con hiểu về gói cước Tomato Buôn làng, các nhân viên của Viettel đã đến tận bản làng để giới thiệu thông qua các kênh bán hàng lưu động. Khi nhân viên đến tận nơi, bà con rất tò mò. Bộ tính năng Tomato Buôn làng có rất nhiều ưu đãi, phù hợp với đời sống của bà con dân tộc còn khó khăn.

Những người có đủ điều kiện, có thể mua chiếc điện thoại của Viettel với giá 300.000 - 350.000 đồng; kích hoạt gói cước này là có ngay tài khoản 360.000 đồng, cộng thêm khuyến mại 30.000 đồng/tháng kéo dài trong vòng 12 tháng. Hiện, bà con dân tộc rất thích gọi lên tổng đài miễn phí như số 333, 334, 335… để được nghe nhân viên nhà mạng tư vấn bằng tiếng dân tộc về lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi); được nghe nhạc dân ca miễn phí trong 15 phút đầu, kể từ phút 16 thì thu phí là 200 đồng/phút; miễn phí tải bài hát tiếng dân tộc làm nhạc chờ.


Chia sẻ về sự hình thành gói cước này, lãnh đạo Viettel từng cho biết: Để phổ cập dịch vụ viễn thông cho hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tới hơn 9 triệu người chưa được sử dụng dịch vụ di động thì nỗ lực phủ sóng thôi chưa đủ mà phải tạo ra được sản phẩm thật gần gũi, thân thuộc cho bà con. Trước hết, phải xóa được rào cản về ngôn ngữ để đồng bào dễ sử dụng và tiếp cận được với thông tin xã hội, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc mình.


Từ những trăn trở đó, Viettel tìm đến các nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học để xây dựng tổng đài riêng và kho nội dung cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe gọi thông thường, gói cước Buôn làng còn cung cấp nhiều chương trình tin tức tổng hợp, kể chuyện, ca nhạc, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi bằng tiếng dân tộc 24/24 giờ. Toàn bộ thông tin hướng dẫn sử dụng được dịch ra tiếng dân tộc hoặc dùng hình ảnh minh họa giúp bà con dễ dàng thực hiện các thao tác. Điện thoại viên người dân tộc trực tiếp giải đáp dịch vụ miễn phí qua tổng đài 3331 (Tày-Nùng); 3332 (Thái), 3335 (Mông), 3336 (Dao), 3337 (Giarai), 3338 (Ê Đê), 3339 (Khmer).


Thống kê của Viettel, tính năng gọi lên tổng đài 3334 (tổng đài hướng dẫn nông nghiệp, tin tức tổng hợp hàng tuần, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc phát 24/24 giờ) được bà con sử dụng nhiều nhất với gần 300.000 cuộc gọi chỉ trong tháng đầu năm. Ông Nguyễn Quang Hải, Vụ trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc cho biết: Điều đáng quý của Viettel là đã rất trân trọng ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ra bộ tính năng Tomato Buôn làng.


Tại ngày hội Bản làng “Sắc xuân Tây Bắc”, Viettel còn tổ chức chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí với sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Hơn 200 già làng, trưởng bản 6 tỉnh Tây Bắc và hơn 100 đồng bào dân tộc ở Lào Cai đã tập trung tại thị trấn Sa Pa để được các bác sỹ khám bệnh. Các nhân viên là người dân tộc thiểu số, thông thạo tiếng dân tộc của Viettel để phiên dịch cho các bác sỹ và người dân. Theo các nhân viên của Viettel, để đưa dịch vụ đến với người dân tộc thì phải có tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bà con tin yêu.


Bài và ảnh:Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN