Doanh nghiệp và người dân huyện đảo Phú Quý "lao đao" vì giá điện tăng

Hiện người dân huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) gặp nhiều khó khăn do giá điện tăng cao. Theo phương án tính giá điện mới được thực hiện đầu tháng 8/2011, dù chỉ được dùng điện 16 giờ mỗi ngày, nhưng giá điện ở mức cao khiến sản xuất kinh doanh của huyện đảo gặp nhiều khó khăn.


Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Theo phương án tính giá điện mới thực hiện đầu tháng 8/2011, giá điện sản xuất kinh doanh tại huyện đảo Phú Quý tăng từ 4.770 đồng lên 6.647 đồng/kWh, nếu tính cả thuế VAT thì doanh nghiệp (DN) phải trả 7.300 đồng/kWh. So với giá điện trong đất liền, giá điện tại Phú Quý cao hơn 4.000- 5.000 đồng/kWh.


Toàn huyện đảo có 9 nhà máy sản xuất nước đá, đây là mặt hàng không thể thiếu để phục vụ cho tàu thuyền đi đánh bắt hải sản. Do giá điện tăng quá cao, 5 nhà máy đã đóng cửa, 4 nhà máy còn lại chuyển sang sản xuất bằng máy dầu nhưng hoạt động cầm chừng, vì giá dầu cũng quá cao.


Ông Võ Thành Ca - Chủ DN nước đá Thanh Bình cho biết: Trước đây giá điện 1.100 đồng/kWh, nhà máy có thể ổn định sản xuất. Nhưng khi giá điện lên 7.300 đồng/kWh, các DN sản xuất nước đá bằng điện đã phải nghỉ sản xuất. Theo tính toán, sản xuất 1 cây đá cần 4,5 kWh điện. Chính vì giá điện cao, nên dù giá 1 cây đá tại đất liền chỉ 11.000-12.000 đồng thì nhà sản xuất đã có lãi còn ở huyện đảo phải bán 35.000 đồng thì DN vẫn chưa đủ vốn.


Không chỉ DN nước đá gặp khó khăn, các cơ sở chế biến hải sản cũng rơi vào tình trạng tương tự, phải thu hẹp sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ DN Việt Hoa: Thị trường mua bán hải sản là thị trường chung, nhưng giá điện lại chênh nhau đến 3-4 lần khiến các DN chế biến hải sản Phú Quý hết đường làm ăn. Trước đây, mỗi năm DN chế biến 400 – 500 tấn hàng. Từ tháng 9/2010 đến nay, sản xuất phải giảm đến 80%, doanh nghiệp chỉ làm những mặt hàng không cần giữ lạnh mà phơi khô để giảm chi phí điện. Từ 100 lao động làm việc thường xuyên, nay doanh nghiệp này chỉ còn 7 công nhân, chủ yếu để bảo trì máy móc.


Theo Điện lực huyện Phú Quý, nhà máy điện của huyện đảo có 6 tổ máy chạy dầu diesel, với tổng công suất 3MW. Song các tổ máy này chỉ phát bình quân từ 2MW - 2,2MW mỗi ngày, nên lượng điện chỉ đủ cho sinh hoạt và sản xuất chế biến của một số DN nhỏ. Trong khi đó, mỗi lít dầu diesel sản xuất được khoảng 4kW điện, giá bán điện được tính như thủy điện của đất liền. Những năm gần đây, do giá dầu tăng cao, bình quân mỗi năm ngân sách phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng cho việc phát điện bằng dầu trên đảo.


Chính vì không thể “gồng” được việc bù lỗ giá điện, Sở Công Thương Bình Thuận đã trình UBND tỉnh công văn điều chỉnh giá điện năm 2011, theo đề nghị của Tổng Công ty điện lực Miền Nam về phương án giá điện năm 2011 áp dụng tại huyện đảo Phú Quý.


Phú Quý là một huyện đảo, đời sống người dân phần lớn đều phụ thuộc vào đánh bắt và chế biến hải sản. Hiện người dân và các DN ở đây đang chịu cùng lúc 3 sức ép là giá điện tăng, giá xăng dầu cao nhưng tài nguyên thủy sản ngày càng cạn kiệt.


Cũng theo Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Hưng, việc tăng giá điện năm 2011 là bước đi trong lộ trình chung thực hiện thị trường hóa giá điện. Nhưng nếu so với đất liền thì giá điện ở đảo Phú Quý là quá cao, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trên đảo. Do vậy, huyện đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận, Chính phủ nên xem xét lại.


Nguyễn Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN