Doanh nghiệp tham gia dán nhãn tiết kiệm năng lượng

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm nhiều hoạt động dán nhãn năng lượng.


Sau 3 năm triển khai thí điểm, đã có 9 doanh nghiệp (DN) tham gia dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các sản phẩm: Bóng đèn huỳnh quang T8 balat điện từ, chóa đèn chiếu sáng đường phố TKNL. Mới đây, có thêm 3 DN tham gia dán nhãn TKNL cho 99 sản phẩm quạt điện.

Ông Phương Hoàng Kim, Phó chánh Văn phòng TKNL-Bộ Công Thương cho rằng, việc dán nhãn TKNL là biện pháp có hiệu quả nhằm định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất.


Thực hiện dán nhãn TKNL không chỉ là tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN mà còn thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng đầu tư, tăng tính cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, khẳng định uy tín sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, khi nhãn TKNL xuất hiện trên thị trường sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng những sản phẩm thực sự TKNL.

Ngừng lưu thông các sản phẩm tốn năng lượng

Từ việc triển khai thí điểm trên, thời gian tới, khi Dự thảo “Lộ trình dán nhãn năng lượng và xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng giai đoạn 2010 - 2015” do Bộ Công Thương trình Chính phủ đang chờ phê duyệt, việc dán nhãn TKNL sẽ mang tính chất bắt buộc.


Theo đó, từ năm 2013, các sản phẩm điện gia dụng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng; từ năm 2015, các sản phẩm có hiệu suất năng lượng (NL) thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm được dán hai loại nhãn: Nhãn NL xác nhận, được áp dụng cho những sản phẩm hàng đầu về hiệu suất NL. Nhãn NL so sánh, được áp dụng theo các cấp độ sử dụng NL.

Công nhân Công ty Điện lực Bạc Liêu đổi bóng đèn tiết kiệm điện cho các hộ dân Khmer, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Theo lộ trình dán nhãn TKNL được Bộ Công Thương đề ra, các sản phẩm gia dụng bắt buộc phải dán nhãn từ ngày 1/1/2013. Các sản phẩm đèn huỳnh quang, chấn lưu đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện, ti vi có mức hiệu suất NL thấp hơn mức hiệu suất NL tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 1/1/2015.

Nhóm thiết bị công nghiệp phải hoàn thành tổ chức dán nhãn NL tự nguyện trước ngày 1/1/2012 cho các sản phẩm: Động cơ điện (công suất đến 200 kW), nồi hơi cỡ nhỏ và trung bình; máy biến áp ba pha (dung lượng đến 2.000 KVA) và bắt buộc phải dán nhãn từ 1/1/2013. Các sản phẩm này nếu có mức hiệu suất NL thấp hơn mức hiệu suất NL tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 1/1/2015.

Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại phải hoàn thành việc tổ chức dán nhãn NL tự nguyện trước ngày 1/1/2014 cho các sản phẩm: Máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và từ ngày 1/1/2015 bắt buộc phải dán nhãn các sản phẩm này. Các sản phẩm này nếu có mức hiệu suất NL thấp hơn mức hiệu suất NL tối thiểu không được phép nhập khẩu và sản xuất từ ngày 1/1/2015. Riêng với nhóm sản phẩm vật liệu TKNL, tổ chức dán nhãn TKNL tự nguyện đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo và sản phẩm TKNL sau ngày 1/1/2015.

Kiểm soát chặt các sản phẩm được dán nhãn

Theo Văn phòng TKNL, thời điểm từ nay đến trước 1/1/2013, tiếp tục áp dụng trình tự, thủ tục dán nhãn NL được quy định chi tiết tại Thông tư số 08/2006/TT-BCN ngày 16/11/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Giấy chứng nhận dán nhãn NL và sản phẩm TKNL sẽ do Bộ Công Thương cấp.


Tất cả các DN sản xuất những mặt hàng tiêu thụ NL có tên trong danh mục đều có thể đăng ký tham gia. Quy trình dán nhãn gồm lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm chỉ số tiêu thụ NL, lập hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm TKNL… Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương sẽ xem xét, đánh giá kỹ thuật và tiến hàng cấp giấy chứng nhận, dán nhãn sản phẩm.

Việc dán nhãn năng lượng sẽ mang lại hiệu quả lớn cho xã hội và nền kinh tế khi hàng triệu sản phẩm sử dụng năng lượng đạt các tiêu chí về TKNL được dùng rộng rãi trong đời sống. Nhưng quá trình triển khai thí điểm thời gian qua cho thấy, để nhân rộng mô hình dán nhãn NL cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều ngành và DN chưa quyết tâm trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để triển khai dán nhãn TKNL. Người tiêu dùng lo ngại, khi các sản phẩm TKNL được sản xuất đại trà sẽ không bảo đảm tiêu chuẩn, bởi chỉ có số sản phẩm được kiểm định là đạt tiêu chuẩn…

Để ngăn chặn tình trạng này, Văn phòng TKNL đã xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát sau dán nhãn. Định kỳ 6 tháng/lần, các DN đã được cấp chứng nhận và dán nhãn sản phẩm TKNL có trách nhiệm lập báo cáo về số lượng, chủng loại sản phẩm đã được xuất xưởng và dán nhãn TKNL.


Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương sẽ giám sát, kiểm tra bất thường các sản phẩm đã dán nhãn TKNL đang lưu hành trên thị trường, lập tức xử phạt, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận TKNL nếu phát hiện sai phạm. Ông Phương Hoàng Kim còn cho biết: “Văn phòng TKNL sẽ cập nhật thường xuyên các chuẩn hiệu suất NL theo hướng dẫn tăng dần để từng bước loại bỏ các trang thiết bị có hiệu suất thấp, chuyển đổi dần thị trường sang sử dụng các sản phẩm TKNL tốt hơn”.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN