Doanh nghiệp chủ động nhưng cần “tiếp sức” để nâng cao sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần Nhà nước hỗ trợ về vốn và khả năng tiếp cận tín dụng. Đây là một trong những nội dung được nêu tại Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO”.

Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Sau 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng đã được cải thiện hơn. Doanh nghiệp đã chú trọng nhiều tới chiến lược về giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các khâu phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của doanh nghiệp vẫn là sự liên kết với đối tác trong nước và khu vực chưa chặt chẽ, tâm lý doanh nghiệp thường là “làm tất ăn cả” nên về lâu dài chưa đảm bảo yếu tố bền vững.

Đại diện VCCI cũng cho rằng: Trong thời gian tới, VCCI sẽ đề xuất việc đưa các doanh nghiệp có uy tín cùng với cơ quan nhà nước tham gia các chương trình đàm phán quốc tế, đặc biệt nêu ra những nội dung, kiến nghị của doanh nghiệp để chương trình đàm phán được hiệu quả hơn.

Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước về tăng cường năng lực khoa học công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động tăng cường năng lực của mình, tích cực liên kết, hợp tác, chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng phù hợp với những chuẩn mực giáo dục đào tạo của khu vực và quốc tế.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN