Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Mặc dù đang nỗ lực tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần nhưng sức tiêu thụ hàng hoá ở Nhật Bản vẫn không giảm, nhất là lĩnh vực lương thực thực phẩm. Thống kê từ Bộ Công Thương, Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiều hàng lương thực thực phẩm do chỉ tự cung cấp được khoảng 40% nhu cầu. Trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, hàng năm nước này nhập 70% hàng nông sản, 20% thuỷ sản và 10% lâm sản. Thời gian tới xu hướng nhập hàng lương thực thực phẩm của Nhật vẫn sẽ tăng nên Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất hàng thực phẩm sang Nhật.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, hàng lương thực thực phẩm từ Việt Nam xuất sang nước này cần phải được cải thiện hơn nữa về chất lượng để không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt hàng tôm nên cải thiện hơn việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, nhất là chú trọng đến các chất kháng sinh. Trái cây trồng tại Nhật ngon, chất lượng cao do luôn được cải tiến giống, cải tiến bao bì, vì thế nếu xuất hiện trái cây nhập không ngon, bao bì kém sẽ bị tẩy chay.

Để đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng: Dù chất lượng hàng hoá Việt Nam ngày càng cao khi xuất sang Nhật, nhưng do việc quảng bá còn yếu nên chưa xâm nhập sâu. Vì thế Việt Nam nên có một vài doanh nghiệp thương mại mạnh, chuyên nghiệp, làm đầu tàu xuất khẩu hàng sang Nhật.

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt nhu cầu nhập hàng nông lâm thuỷ sản và tham gia các triển lãm chuyên ngành về thuỷ sản tại Nhật như Foodex Japan tổ chức hàng năm, thông qua trang web của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jestro).

Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN