Công ty Luyện đồng Lào Cai: Hiệu quả sản xuất từ hướng đi đúng

Trải qua những thăng trầm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, đến nay Nhà máy luyện đồng Lào Cai đã sản xuất ổn định với những kết quả rất đáng tự hào.



Bằng những quyết sách đúng đắn, những giải pháp đầu tư mạnh mẽ của ban lãnh đạo Công ty, sự đoàn kết của tập thể người lao động, Nhà máy đã cho ra lò nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế Lào Cai cũng như cả nước.


Nhà máy luyện đồng của Công ty Luyện đồng Lào Cai trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nằm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Sản phẩm đồng katot của Nhà máy luyện đồng Lào Cai được luyện từ tinh quặng đồng Sin Quyền do Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền khai thác và tinh tuyển từ quặng đồng nguyên khai của mỏ đồng Sin Quyền (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Mỏ đồng này có trữ lượng hàng chục triệu tấn, được ngành địa chất Việt Nam phát hiện cách đây gần 50 năm và cũng là mỏ đồng lớn duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, mỗi năm Công ty Luyện đồng Lào Cai đã sản xuất được một lượng đồng katot lớn, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước.


Ông Trịnh Văn Tuệ - Giám đốc Công ty Luyện đồng Lào Cai chia sẻ: “Nhà máy đi vào hoạt động từ giữa quý III/2008, nhưng phải mất hơn một năm vừa chạy vừa rút kinh nghiệm với sản lượng chỉ đạt 60% công suất thiết kế bởi công nghệ luyện đồng là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta. Đây là công nghệ hỏa luyện bằng lò Thủy Khẩu Sơn, tiên tiến nhưng rất phức tạp, đòi hỏi tính đồng bộ và sự chính xác cao. Để sản phẩm đạt tới độ tinh khiết gần như tuyệt đối (99,95% đồng) là rất khó khăn nên sự mò mẫm mang tính thử nghiệm ban đầu là đương nhiên không tránh khỏi”.


Với quyết tâm của ban lãnh đạo Công ty, sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi của đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ trong việc vươn lên nắm bắt và làm chủ công nghệ, từ năm 2011 đến nay, Nhà máy luyện đồng Lào Cai đã đi vào sản xuất theo đúng công suất thiết kế. Năm 2013, sản phẩm chủ lực của Nhà máy là đồng tấm katot đã đạt trên 9.700 tấn, năm 2014 là 10.500 tấn vượt kế hoạch đề ra. Qua kết quả kiểm nghiệm kỹ thuật và phân tích theo tiêu chuẩn VILAS 182 của Viện Cơ khí Năng lượng mỏ Việt Nam, hiện các sản phẩm đồng katot của Nhà máy đã đạt tiêu chuẩn quốc tế với hàm lượng 99,97% đồng (cao hơn so với chỉ tiêu thiết kế là 99,95% đồng). Các sản phẩm khác như vàng, bạc, vàng, axit… cũng đạt sản lượng cao.


Hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được Công ty chú trọng nhằm tiết kiệm vật tư tiêu hao, giảm giá thành sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường. Hoạt động trong một ngành nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên Công ty Luyện đồng Lào Cai rất chú trọng việc bảo đảm đời sống để công nhân yên tâm công tác, gắn bó với Công ty. Hiện nay, lương trung bình của công nhân là xấp xỉ 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 30% so với 2010.


Phát huy kết quả đạt được, năm 2015, Công ty Luyện đồng Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp tăng năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất, duy trì đảm bảo ngày công giờ công hữu ích. Công ty đẩy mạnh phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh các đề tài sáng kiến “Sản xuất thạch cao, giảm chất thải rắn”, “Nâng cao sản phẩm quý hiếm”, “Thay khuôn đúc tấm dương cực gang thép bằng đồng” để hoàn chỉnh đưa dây chuyền công nghệ vào hoạt động ổn định hơn nữa, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.


Công ty Luyện đồng Lào Cai đang tự tin bước vào năm mới 2015, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo sản xuất an toàn tiết kiệm, hiệu quả cao nhất.


PV

Hiệu quả vốn vay chính sách  ở Lào Cai
Hiệu quả vốn vay chính sách ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây nhờ tiếp cận được các chương trình vay vốn chính sách ưu đãi để đầu tư làm nhà ở, phát triển kinh tế,… nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN