Cân nhắc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), Luật Hình sự hiện hành chưa quy định truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân.

 

Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đo kiểm tra hệ thống bể xử lý chất thải của Công ty Tung Kuang. Ảnh: Trần Tiến Duẩn - TTXVN

 

 Trong khi thực tiễn cho thấy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận mà thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật hết sức nghiêm trọng mang tính chất tội phạm, gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Vì vậy, việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về TNHS của pháp nhân là cần thiết.


Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật


Một ví dụ điển hình được nhiều chuyên gia dẫn chứng khi nói về bất cập của BLHS hiện hành là vụ đưa hối lộ xảy ra tại Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI). Theo đó, để được tạo điều kiện thuận lợi trúng hai gói thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, PCI đã tìm cách đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ (thời điểm đó là Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây). Tòa án Tokyo xét xử 4 bị cáo thuộc Công ty PCI đã đưa hối hộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ về tội cạnh tranh không công bằng. Còn Tòa án TP.HCM cũng kết án Huỳnh Ngọc Sĩ chung thân về tội nhận hối lộ. Như vậy trong vụ việc trên, chỉ có 4 bị cáo của Công ty PCI và Huỳnh Ngọc Sĩ phải chịu TNHS. Tòa án Việt Nam đã không thể truy cứu TNHS Công ty PCI do không có cơ sở pháp lý về TNHS của pháp nhân.


Ngoài vụ án trên, một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác của doanh nghiệp có thể kể đến trong thời gian qua là tình trạng nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng như Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương... Điểm chung là các vụ việc này hầu như không bị xử lý hình sự. Điều này cũng xuất phát từ bất cập của pháp luật hình sự trong việc xác định phạm vi chủ thể của tội phạm về môi trường ở Việt Nam, đó là chưa thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Theo đó, mới chỉ dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền nên các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nhiều lần để duy trì hoạt động.


Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, các chế tài về hành chính, dân sự hoặc kinh tế tỏ ra không hiệu quả, tính răn đe phòng ngừa của các chế tài xử lý này không cao, hậu quả pháp lý của việc xử lý này đối với doanh nghiệp vi phạm chưa có sức nặng đủ để phòng ngừa tái phạm nên chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm của các công ty, doanh nghiệp. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của công ty, doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm này. “Việc bổ sung vào BLHS quy định về TNHS của pháp nhân là rất cần thiết theo hướng xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với pháp nhân”, ông Hoàn nhấn mạnh.


Với tư cách đại diện Thường trực Tổ biên tập Dự án BLHS (sửa đổi), ông Hoàn thông tin thêm, vấn đề TNHS đối với pháp nhân đang được nghiên cứu quy định trong dự án luật. “Trước mắt, chỉ nên đặt vấn đề TNHS đối với pháp nhân kinh tế như: các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế... Còn đối với những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân như: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... thì sẽ không là chủ thể phải chịu TNHS”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Văn Hoàn cho biết.


Tránh việc cá nhân lợi dụng trốn TNHS


Đồng tình với việc nghiên cứu, bổ sung vào BLHS quy định về TNHS của pháp nhân, GS. TS Đào Trí Úc - Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ đối tượng của pháp nhân, khi nào pháp nhân chịu trách nhiệm và chịu TNHS về những loại tội nào. Ông cũng đề xuất, nên mở rộng truy cứu TNHS pháp nhân không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà phải trong các lĩnh vực khác như: công ích, công lập… “Luật hình sự đề cao nguyên tắc công bằng, vì thế phải quy định rõ”, GS.TS Đào Trí Úc nhấn mạnh.


Chỉ ra thực tế diễn ra nhiều trường hợp đã không thể xác định TNHS pháp nhân, dẫn đến lỗ hổng trong xử lý, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba lưu ý phải làm rõ trong trường hợp nào mới được truy cứu TNHS pháp nhân, tránh trường hợp cá nhân lợi dụng trốn tránh TNHS.


Trong khi đó, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Đặng Quang Phương lại đưa quan điểm, không cần thiết phải quy định TNHS pháp nhân. Bởi theo ông, pháp nhân đã có các cơ quan khác được quyền xử phạt.


Trao đổi về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho biết, quy định TNHS đối với pháp nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta mà còn đáp ứng yêu cầu quốc tế trong các điều ước mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC). “Tuy nhiên, việc bổ sung TNHS của pháp nhân vào BLHS cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng vì nó sẽ làm thay đổi quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của TNHS được thể hiện trong BLHS hiện hành, cũng như đặt ra một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp hình sự cần phải được xử lý hài hòa trong BLHS”, ông Hoàn kết luận.

 

Thu Phương

Ứng xử với cộng đồng và môi trường: Ghi nhận từ một doanh nghiệp khai khoáng
Ứng xử với cộng đồng và môi trường: Ghi nhận từ một doanh nghiệp khai khoáng

Tuy mới đi vào sản xuất, nhưng Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) đã được biết đến như một doanh nghiệp khai khoáng hàng đầu của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN