Hà Nội:

Các siêu thị chung tay bình ổn giá

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực thực hiện bình ổn giá hàng hóa, đảm bảo sức mua của người dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Nhiều nhà cung cấp đang đề nghị tăng giá đối với hàng hóa đưa vào siêu thị khoảng 5%. Ảnh Internet.


Theo đánh giá của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang đưa ra đề nghị tăng giá đối với hàng hóa đưa vào siêu thị với mức tăng khoảng 5%. Số mặt hàng được yêu cầu tăng giá chiếm từ 5 - 10% tỷ trọng hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị, tập trung vào các mặt hàng có sức tiêu thụ tốt, cụ thể như hàng may mặc, nhựa, hóa mỹ phẩm…

Việc tăng giá này chủ yếu do các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… thời gian qua có nhiều biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy giá thành sản phẩm tăng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang bị chững lại do đời sống khó khăn, khả năng chi tiêu của người dân bị thắt chặt, không kích thích được tiêu dùng.

Cho dù, các tháng cuối năm khả năng mua sắm thường tăng cao nhưng thời điểm này, các siêu thị nhất là các chợ trên địa bàn Hà Nội không tránh khỏi tình trạng sụt giảm lượng khách. Doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 4% trong khi đó mức tăng trung bình của các năm trước đạt từ 10-11%.

Trước tình hình đó, hàng loạt siêu thị trên địa bàn thành phố đang ráo riết thực hiện các biện pháp kích cầu bằng cách bình ổn giá, áp dụng các chương trình khuyến mại, tổ chức các hình thức bán hàng linh hoạt… Đi đầu trong hoạt động này là các siêu thị lớn, có tiềm lực kinh tế, có lượng hàng dự trữ dồi dào, đội ngũ nhân lực đông đảo và biết ứng biến với thị trường.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống Siêu thị Big C cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Big C nỗ lực đem đến mức giá tốt nhất nhằm gia tăng sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng nhu thiết yếu”. Hiện nay, Siêu thị Big C đang áp dụng chương trình khuyến mại Giá cực sốc - Tiết kiệm cực nhiều chuyên về các sản phẩm nhu thiết yếu trong gia đình. Chương trình kéo dài từ ngày 24/9 - 7/10, áp dụng cho khoảng 500 mặt hàng với mức giảm giá từ 5 - 50% kèm nhiều quà tặng thiết thực.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết: Mặc dù giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ngoài thị trường có mức tăng cao nhưng hầu như Hapro chưa nhận được yêu cầu tăng giá từ phía nhà cung cấp. Nếu có cũng phải thực hiện theo quy trình thông báo với đối tác nhập hàng từ 10 - 20 ngày và phải được đơn vị nhập hàng xem xét tính hợp lý của việc tăng giá.

Trong bối cảnh này, Hapro hạn chế tối đa việc tăng giá hàng hóa, đồng thời áp dụng nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như áp dụng khuyến mại dịp Trung thu và các ngày lễ lớn trong tháng 10 tới...

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, để kích thích khả năng bán hàng, các siêu thị cần đặt mức giá hợp lý, tổ chức thu mua tận gốc nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo giá bán ra phù hợp. "Thời điểm này chính là cơ hội thử thách, doanh nghiệp phải vững vàng để vượt qua khó khăn", ông Vinh nhấn mạnh.


Đinh Thị Thuận
Cảnh giác lạm phát quay trở lại - CPI tháng 9/2012 tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều
Cảnh giác lạm phát quay trở lại - CPI tháng 9/2012 tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 24/9 đã tăng 2,2% so với tháng 8/2012 và 6,48% so với cùng kỳ năm ngoái là thông điệp về kinh tế Việt Nam không rơi vào suy giảm sau 2 tháng CPI liên tiếp âm (tháng 6 và 7).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN