Bảo hiểm tôm nuôi: Thuận lợi ít - vướng mắc nhiều

Chương trình thí điểm bảo hiểm tôm nuôi giai đoạn 2011 - 2013 theo Quyết định 315/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đi vào đời sống được gần một năm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua, tại những địa phương triển khai chương trình này, đã xuất hiện một số vướng mắc từ những quy định không rõ ràng, không phù hợp tình hình thực tế.

 

Nuôi tôm trên cát ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

 

Báo cáo từ Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh) cho thấy, sau gần một năm triển khai chương trình này, toàn tỉnh Bạc Liêu có 2.633 hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm. Trong đó, 2.510 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo với tổng diện tích nuôi tôm trên 3.400 ha. Tính đến tháng 7/2012, có 52 hộ đã ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổng diện tích 21,4 ha. Tổng phí bảo hiểm là 560 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 455 triệu đồng. Có 17 hộ tham gia bảo hiểm có tôm nuôi bị thiệt hại.


Theo Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu, từ khi triển khai thí điểm bảo hiểm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đến nay, đã có trên 40 hộ dân bị thiệt hại tôm nuôi với số tiền bồi thường trên 600 triệu đồng.


Từ khi triển khai chương trình đến nay, đã có 1.500 lượt người được tập huấn cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Chính sự đồng thuận và phấn khởi đón nhận chính sách bảo hiểm từ phía người dân đã tạo điều kiện cho sự thành công bước đầu của chương trình này.

 

Cái khó bó cái khôn


Về phạm vi bảo hiểm, Sở NN&PTNT cho rằng, hiện nay, bệnh teo và hoại tử gan tụy trên tôm sú, tôm chân trắng chưa tìm ra tác nhân gây bệnh nên tỉnh chưa thể xét nghiệm được bệnh này. Do đó, công tác xác nhận, công bố dịch bệnh làm cơ sở để bồi thường sẽ gây khó khăn không nhỏ.


Về quy trình kỹ thuật nuôi, trên thực tế, một số hộ nuôi mua tôm giống ở miền Trung có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh tôm đứng tên người khác, không phải là chủ hộ đăng ký tham gia bảo hiểm nên không phù hợp về mặt thủ tục. Mặt khác, đối với các loại bệnh còn lại cũng rất khó khăn trong việc xét nghiệm nếu có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Bởi lẽ, toàn tỉnh chỉ có 4 máy xét nghiệm PCR do Chi cục Nuôi trồng thủy sản quản lý. Thời gian xử lý, phân tích mẫu khoảng 5 tiếng đồng hồ mới có kết quả. Ngoài ra, các máy xét nghiệm này còn làm nhiệm vụ xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh. Phòng xét nghiệm này chưa được công nhận năng lực theo quy định.


Song song đó, Ban chỉ đạo tỉnh cũng khẳng định rằng, một số cán bộ tuyến xã đã được tập huấn bảo hiểm nhưng chưa nắm vững quy tắc bảo hiểm, quy trình sản xuất áp dụng trong thí điểm bảo hiểm trên tôm nuôi. Do đó, việc giải thích cho nông dân khi có thắc mắc chưa được thỏa đáng dẫn đến công tác vận động, tuyên truyền đạt hiệu quả chưa cao.


Xuất phát từ tình hình thực tế, Ban chỉ đạo tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng việc hỗ trợ diện hộ cận nghèo bằng với hộ nghèo, vì sự khó khăn của hai đối tượng này không có sự khác biệt lớn.


Ở khía cạnh khác, trong quá trình ký kết hợp đồng, người nuôi tôm bị thiệt hại do hội chứng gây hoại tử gan tụy cấp tính và một số bệnh khác không rõ nguyên nhân, xét nghiệm không xác định được thì việc xác nhận và công bố dịch sẽ không có cơ sở, do đó việc bồi thường chắc chắn không thực hiện được. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác nhận hoặc công bố dịch bệnh với các loại bệnh trên.

 

Bổ sung chi phí cải tạo ao đầm


Bên cạnh đó, nhiều nông dân nuôi tôm còn đề nghị điều chỉnh bộ quy tắc bảo hiểm đối với trường hợp hộ dân có nhiều ao nuôi nhưng chỉ mua bảo hiểm một số ao. Nhưng theo quy tắc này thì hộ nuôi phải tham gia toàn bộ diện tích, trong khi điều kiện thực tế của họ không đủ khả năng tài chính để tham gia. Với hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh, để tiết kiệm thời gian nuôi và nhằm tăng tỷ lệ sống, rất nhiều hộ đã chọn hình thức ương trước khi sang ra ao nuôi (trung bình thời gian ương từ 10 - 30 ngày). Do đó, nhiều nông dân đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh bộ quy tắc này.


Nói về tiền bảo hiểm, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cho rằng: “Chỉ bảo hiểm cho chi phí mua con giống và thức ăn là quá nhỏ. Bởi, chi phí con giống và thức ăn không tốn nhiều tiền bằng cải tạo ao đầm. Do đó, cần đưa chi phí cải tạo vào hợp đồng để xét bồi thường thì mới phù hợp với thực tế”. Ông Võ Hồng Ngoãn cũng đề nghị về bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm phải được tính cho từng ngày chứ không thể tính gộp từ 5 - 7 ngày chung một khung giá bồi thường. Vì mỗi một ngày, chế độ thức ăn cho tôm có sự khác nhau.


Ban chỉ đạo tỉnh đang kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm tại Bạc Liêu đến hết năm 2014, thay vì chương trình kết thúc năm 2013. Lý do là năm 2011, các địa phương hầu hết chờ văn bản hướng dẫn để tiến hành triển khai nên tiến độ thực hiện trong giai đoạn bị chậm.


Cao Thăng - Tấn Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN