Nhìn lại con tàu Vinashin

Bài 3: Hải trình nào cho con tàu Vinashin

(Tin tức) - Như chúng tôi đã phản ánh trong các bài trước, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cộng với việc đầu tư dàn trải... đã khiến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn. Tuy nhiên, ngày 29/7/2010, Ban cán sự Đảng Chính phủ, trong báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương tái cơ cấu Vinashin, đã nhận định: Vấn đề của Vinashin khó khăn phức tạp rất lớn nhưng vẫn còn đang kiểm soát được. Từ đây, một lộ trình mới được vạch ra cho con tàu Vinashin tiếp tục ra khơi.


Đầu tư dứt điểm

Một trong những con tàu chuẩn bị bàn giao ở Tổng công ty Công nghiệp
tàu thủy Bạch Đằng

Ngày 6/8/2010, Bộ Chính trị đã có kết luận số 81-KT/TW đánh giá những kết quả đạt được và yếu kém, sai phạm ở Vinashin, chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp để khắc phục. Bộ Chính trị cũng tiếp tục khẳng định công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Để cơ cấu lại, Vinashin được định hướng chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng, sửa chữa tàu; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.

Khảo sát một loạt những đơn vị chủ lực của Vinashin ở Quảng Ninh, Hải Phòng mới thấy nổi lên vấn đề lớn nhất là các dự án đầu tư dở dang hiện nằm im bất động vì thiếu vốn, gây lãng phí. Điều này xuất phát từ nguyên nhân đầu tư dàn trải, không đúng quy định để quyết toán dự án đưa vào khai thác. Nhìn đâu cũng thấy dự án dở dang, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự đã phải nhận xét: “Như một mớ tóc rối không thấy đầu ra”. Chính vì vậy, lãnh đạo Vinashin đã xác định những việc phải làm trước mắt là: Kết thúc đầu tư ngay các dự án để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát các dự án cần thiết để bổ sung vốn, nhân lực nhằm giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt; tổ chức lại bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; trong khi tái cơ cấu thì tiến hành các giải pháp sáp nhập, bán, liên doanh… để thu hồi vốn đầu tư.

Như dự án nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, đã chạy thử nghiệm ra sản phẩm nhưng chưa đưa vào sản xuất được vì quy trình làm sai, đến nay không quyết toán nổi để tiếp tục hoàn thiện. Ban quản lý dự án hiện tại phải thông qua tư vấn giám sát khôi phục lại hồ sơ. Ông Nguyễn Trường Sơn, quyền Giám đốc nhà máy cho biết: “Hiện công ty đã có các đơn hàng và ký hợp đồng với tổng khối lượng 550.000 tấn thép. Khi có đủ nguồn lực tài chính, công ty đã có kế hoạch sản xuất 300.000 tấn thép trong năm 2011, đạt doanh thu hơn 4.190 tỷ đồng, trừ chi phí đi đảm bảo có lãi”. Trong khi đó, nếu không hoạt động, mỗi năm nhà máy phải trả 300 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Rõ ràng, nếu tập trung hoàn thành dự án, vốn đầu tư sẽ thu hồi lại được và tạo việc làm cho hàng trăm công nhân. Không những thế, nhà máy thép hoạt động còn giúp nhà máy điện diesel Cái Lân cạnh đó (mục đích đầu tiên là phụ trợ nhà máy thép) “sống” lại sau một thời gian “đắp chiếu” vì càng chạy càng lỗ. Đây cũng là một khoản đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó số nợ hiện tại là hơn 100 tỷ đồng.

Hãm phanh kịp thời

Cũng phải khẳng định rằng, ngay từ năm 2006, khi Vinashin vẫn đang phát triển tốt, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra giám sát việc huy động, sử dụng vốn của tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp đóng mới tàu biển, từ khoảng 200 dự án xuống còn 106 dự án. Năm 2008, từ 106 dự án với tổng mức đầu tư gần 64.000 tỷ đồng đã bị yêu cầu giảm xuống còn 46 dự án với tổng mức đầu tư 32.000 tỷ đồng. Đầu năm 2009, số dự án tiếp tục bị cắt giảm xuống còn 28 dự án cấp thiết có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2010- 2011 chỉ còn 13 dự án với tổng mức đầu gần 2.000 tỷ đồng. Nhờ các động thái “hãm phanh” này, tình hình Vinashin mới không tuột khỏi tầm kiểm soát và theo nhận định của ban lãnh đạo mới, thời gian hồi phục chỉ mất khoảng 2 năm.

Cho đến nay, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để xử lý các vấn đề của Vinashin và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vốn điều lệ; rút vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng; hoàn vốn đầu tư cho hạ tầng công nghiệp tàu thủy; cho phát hành trái phiếu trong nước, vay lại trái phiếu Chính phủ; khoanh nợ, giãn nợ, vay mới từ các tổ chức tín dụng trong nước; các giải pháp về thuế; cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên; tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản lý giám sát tài chính, huy động, sử dụng vốn, quản lý dòng tiền và hiệu quả hoạt động của tập đoàn.

Chỉ nói riêng giải pháp về thuế, chúng tôi xuống Công ty đóng tàu Phà Rừng mới thấy hết được hiệu quả cũng như nỗi niềm mong ngóng của cán bộ, công nhân. Ông Trương Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất, cho biết: Đơn vị hiện đang hoàn thiện con tàu PI1002 được 90%, theo tiến độ sẽ bàn giao cho chủ tàu vào tháng 2/2011. Tuy nhiên hiện tại một số hạng mục chưa triển khai được vì thiết bị, vật tư đã nhập về cảng nhưng bị cưỡng chế thuế nên chưa thể lấy về, dẫn đến công việc thì có mà một bộ phận công nhân vẫn phải nghỉ chờ. Nguyên nhân là công ty đang nợ thuế quá hạn các tờ khai nhập khẩu thiết bị để đóng mới tàu 6.5K-FM06 (lý do là chủ tàu đã hủy hợp đồng vì khủng hoảng), nên để thông quan trong giai đoạn này công ty phải đóng thuế ngay cho từng lô hàng nhập khẩu. Để tháo gỡ khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc gia hạn thuế đến hết năm 2012.

Tổng Giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến khẳng định: Những giải pháp đưa ra đã bước đầu có một số kết quả. Vinashin đã hỗ trợ cho các đơn vị thành viên do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ giải quyết cơ bản vấn đề nợ lương, nợ BHXH; nhiều lao động nghỉ việc nay đã trở lại và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Từ tháng 7 đến tháng 9/2010, Vinashin đã bàn giao được 5 con tàu đóng mới cho khách hàng với tổng giá trị hợp đồng là 70 triệu USD. Từ nay đến cuối năm sẽ bàn giao thêm 35 tàu với số tiền thu về khoảng 152 triệu USD. Đặc biệt là các dự án chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí đã khởi động trở lại. Hơn 1.000 công nhân Nhà máy đóng tàu Dung Quất (trên tổng số 6.000 người) nghỉ việc đã trở lại có việc làm. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt, trong đó có cả con tàu Hoa Sen đầy tai tiếng.

Trong phong ba bão táp, Vinashin đã học được những kinh nghiệm đầy “xương máu” trên con đường chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Chắc chắn rằng, từ Vinashin, chúng ta có thêm cơ sở để đổi mới cơ chế quản lý, phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước theo đúng định hướng.


Ngọc Tú – Quang Vinh

Bài II: Câu hỏi về 86.000 tỷ đồng
Bài II: Câu hỏi về 86.000 tỷ đồng

(Tin tức) - Xung quanh khoản nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin hiện nay, dư luận đặt ra một số câu hỏi. Rằng, vì sao Vinashin lại mắc số nợ khổng lồ đến thế; số tiền 86.000 tỷ đồng hiện nay ở đâu; và rằng, số tiền nợ đó sẽ được trả như thế nào, ai trả?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN