12:00 12/12/2011

Doanh nghiệp chưa mặn mà với chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công. Nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc này nên hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp vẫn còn thấp.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tất Khương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng – Bộ KH&CN để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này.

´Ông đã từng khẳng định: “Chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo sự thành công”, điều này được thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?

Chúng ta nhận thấy, đối tượng tiếp nhận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông dân, nhưng trình độ dân trí của nông dân chưa cao, trình độ tiếp cận với công nghệ, thị trường công nghệ và tiêu thụ sản phẩm còn thấp. Điều này làm nông dân khó khăn trong lựa chọn công nghệ, mua và đầu tư trang thiết bị để tiếp nhận công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học vào việc chuyển giao công nghệ là rất cần thiết. Tôi nói sự tham gia của doanh nghiệp đảm bảo sự thành công vì doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ trí thức, có khả năng thẩm định, lựa chọn công nghệ phù hợp điều kiện của từng vùng sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có tiềm năng về tài chính, nguồn vốn cũng như có khả năng huy động vốn để hỗ trợ nông dân về giống, vật tư, đầu tư thiết bị, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận những công nghệ mới. Các doanh nghiệp còn có khả năng đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản để hạn chế xuất thô, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Được chuyển giao công nghệ từ dự án “Mô hình nghiên cứu ứng dụng hoa công nghệ cao” của Viện Rau quả Trung ương và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam, ông Nguyễn Bá Tăng, ở thôn 5, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đầu tư cải tạo 3.000 m2 vườn tạp, chuyển hẳn sang trồng các loại hoa theo công nghệ mới, hiệu quả cao. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Đánh giá sự thành công của dự án thì việc thương mại hóa sản phẩm là thước đo vô cùng quan trọng. So với các nhà khoa học thì doanh nghiệp có khả năng làm tốt điều này hơn do họ có khả năng tiếp cận thị trường một cách nhạy bén giúp nông dân bao tiêu sản phẩm đầu ra và đặc biệt là khả năng liên kết, điều tiết thị trường... điều này góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển giao công nghệ.

´Hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” với việc chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần những giải pháp gì?

Dưới tác động của KH&CN, nông nghiệp Việt Nam đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhưng, hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp hạn chế. Khó khăn đầu tiên có thể nói do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, vùng, miền... Nếu như ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long việc chuyển giao công nghệ thuận lợi bao nhiêu thì vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Trung du khó khăn bấy nhiêu do địa hình phức tạp, sản xuất phân tán, dân cư thưa thớt nên việc chuyển giao gặp rất nhiều khó khăn... Khó khăn tiếp theo là cơ sở hạ tầng nông thôn và vùng sản xuất chưa phát triển thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh mà chỉ mới đáp ứng được nhu cầu đi lại... Nhưng có thể khẳng định khó khăn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi tham gia chuyển giao công nghệ nông nghiệp do nền nông nghiệp nước ta phần lớn là sản nhỏ, phân tán, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Để ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Nhà nước cần đổi mới hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế đặc thù cho chuyển giao công nghệ: Xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ nông nghiệp trọng điểm; xây dựng cơ sở hạ tầng các khu chuyển giao công nghệ nông nghiệp (các khu nông nghiệp công nghệ cao, trạm ươm tạo và thử nghiệm công nghệ mới…). Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ.

Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp - tổ chức KH&CN - người dân, nhằm huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh khoa học và công nghệ thích hợp làm cơ sở để xác định phương thức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong sản xuất; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường công nghệ; Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN, viện, trường đại học và đặc biệt là với nông dân... Thực hiện tốt những vấn đề này, tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào công tác chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Phương Hoàn