09:13 17/09/2014

Doanh nghiệp cần giữ chữ tín với người tiêu dùng

Để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nội địa, để doanh nghiệp tồn tại, phát triển trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt là những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với niềm tin người tiêu dùng.

Để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nội địa, để doanh nghiệp tồn tại, phát triển trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt là những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với niềm tin người tiêu dùng diễn ra ngày 17/9 tại Hà Nội. Diễn đàn do Tổng Cục Môi trường (VEA) và Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức.

Theo đó, các chuyên gia, nhà bán lẻ, doanh nghiệp (DN) cùng chia sẻ các vấn đề: Nâng cao niềm tin vào DN thông qua Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu, Phát triển công nghiệp toàn diện bền vững vì sự phát triển của thị trường trong nước; Thực hành trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và Sản xuất Tiêu dùng Bền vững hướng tới kinh doanh có trách nhiệm và bền vững...

Các chuyên gia cho rằng, DN trong nước cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, giữ chữ tín với khách hàng để cạnh tranh với DN ngoại.


Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, DN Việt đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh. Theo cam kết lộ trình gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO, từ ngày 1/1/2009, các nhà bán lẻ nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam và thời gian gần đây, thị trường phân phối - bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự có mặt của các nhà bán lẻ lớn như Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản) hoặc đang chuẩn bị thâm nhập thị trường như E-Mart (Hàn Quốc), Takashimaya (Nhật Bản), Auchan (Pháp) bên cạnh các doanh nghiệp lớn đã ở Việt Nam nhiều năm trước như Metro, Big C, Parkson.

Việc mở của thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi, DN Việt cần phải đổi mới chiến lược kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giữ được lòng tin của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SDforB, VCCI) cho biết: Tại Việt Nam, từ năm 2007, DN tham gia Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu được tư vấn, hỗ trợ triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội trong DN và báo cáo khung hoạt động. DN thành viên có cơ hội gặp gỡ và kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước về các vấn đề trách nhiệm xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. 

Tại diễn đàn, các bên cũng đã trao đổi về chủ đề đối thoại đa bên. Đây được xem là một công cụ hiệu quả giúp tăng cường nâng cao hiểu biết chung về nhu cầu, thách thức và cơ hội của DN gắn liền với các chủ đề cốt lõi của trách nhiệm xã hội DN. Hoạt động xã hội của DN được cải thiện sẽ tạo lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh và kéo theo đó là cải thiện hoạt động kinh doanh của chủ thể DN.

Hoàng Dương