08:09 05/08/2011

Doanh nghiệp cần chiến lược dài hơi

Giá gạo nguyên liệu liên tục tăng mạnh đang làm cho nhiều doanh nghiệp đau đầu với nỗi lo cân đối lợi nhuận.

Giá gạo nguyên liệu liên tục tăng mạnh đang làm cho nhiều doanh nghiệp đau đầu với nỗi lo cân đối lợi nhuận.

Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký hợp đồng trong thời điểm đầu tháng 7, nếu hiện vẫn chưa mua được nguyên liệu thì nay chắc chắn bị lỗ. Tình trạng thua lỗ sẽ còn nặng nề hơn cho những hợp đồng được ký trước đó do giá thị trường lúc ấy còn thấp. “Giá gạo nội địa tăng cao hơn giá xuất khẩu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bị lỗ, do ký hợp đồng vào thời điểm giá thế giới ở mức thấp. Với giá gạo nguyên liệu như hiện nay thì với gạo xuất khẩu 5% tấm, các doanh nghiệp phải chào bán ở mức 505 - 510 USD/tấn mới đảm bảo có lãi, nhưng thực chất rất ít đơn vị vươn tới giá này” - ông Nguyễn Quốc Tuấn – PGĐ Sở Công Thương tỉnh An Giang phân tích.

Số liệu thống kê của VFA, trong tháng 7, các doanh nghiệp trong nước sẽ giao khoảng 1,3 triệu tấn gạo và hầu hết là của những hợp đồng đã ký trong hai tháng 5 và 6. Tại thời điểm đó, giá gạo trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011. Nhằm hạ nhiệt thị trường, VFA vừa thông báo tạm ngừng chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu, nhưng trái với dự đoán của nhiều người, giá lúa đang được thu mua tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Trước diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp, theo nhiều người trong cuộc, đã đến lúc các nhà xuất khẩu gạo phải có sự thay đổi triệt để trong tư duy kinh doanh. Theo đó từ thói quen đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo sau đó mới tiến hành thu mua, thì nay doanh nghiệp cần phải căn cứ vào các biến động thực tế của thị trường, từ đó có biện pháp linh hoạt hơn trong việc thu mua hoặc phải có chiến lược dài hơi như mua tạm trữ chẳng hạn.

Trung - Hiếu - Nghĩa