12:22 26/12/2011

Đoàn kinh tế quốc phòng 78: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

“Yàng ơi, Y Yin đã có nhà mới rồi. Nhà mới do bộ đội 78 xây cho. Nhà to và đẹp lắm. Nhờ bộ đội mà Y Yin cùng nhiều người dân Rơ Mâm đã có cái ăn, cái để.

“Yàng ơi, Y Yin đã có nhà mới rồi. Nhà mới do bộ đội 78 xây cho. Nhà to và đẹp lắm. Nhờ bộ đội mà Y Yin cùng nhiều người dân Rơ Mâm đã có cái ăn, cái để. Người Rơ Mâm giờ đã biết trồng cây cao su, làm lúa nước. Thóc đầy kho, lúa đầy nhà”. Bà Y Yin người làng Kênh, xã Mô Rai, hồ hởi khi dọn về căn nhà mới, do các cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 78 (Đoàn KTQP 78) xây dựng giúp.

Cầm tay chỉ việc

Mô Rai là xã vùng biên của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Cuộc sống của người Rơ Mâm (một trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam hiện nay), luôn sống trong cảnh đói nghèo (80% dân số xã thuộc diện đói nghèo). Nhờ các chiến sỹ Đoàn KTQP 78 giúp đỡ mà Mô Rai nói riêng và người Rơ Mâm đã từng ngày "thay da đổi thịt", bắt đầu ước mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất hoang sơ này.

Lễ bàn giao nhà tình nghĩa quân - dân của Đoàn kinh tế quốc phòng 78 cho đồng bào vùng biên.


Những ngày đầu, Đoàn KTQP 78 xác định phải giúp dân thoát đói bằng việc phát triển cây lúa nước. Hàng loạt trí thức trẻ có kinh nghiệm về nông nghiệp đã được cử về giúp người dân làm quen với lúa nước. Sau khi cây lúa nước đã có chỗ đứng trong lòng người dân nơi đây, thì các loại cây trồng khác như sắn, cao su, bời lời cũng lần lượt được đưa đến, với mong muốn giúp dân thoát nghèo.

Đoàn KTQP 78 đã xác định, giúp dân trồng cao su như một cách thoát nghèo và làm giàu vững chắc. Ban đầu Đoàn chọn những gia đình có đất đai rộng như nhà A GLá ở làng Le trồng thí điểm 3 ha (năm 2006), sau đến nhà Rơ Châm Len... Theo đó, Đoàn KTQP 78 đầu tư phân bón, cây giống, hỗ trợ ngày công (đào hố, thiết kế lô) cũng như hướng dẫn dân bảo vệ vườn cây (rào vườn chống trâu bò phá). Hàng ngày, các cán bộ kỹ thuật Đoàn KTQP 78 luôn bám sát, hướng dẫn cụ thể từng công việc nhằm giúp dân nắm rõ và nhớ từng kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhờ vậy mà vườn cây của các hộ dân phát triển một cách ổn định. “Khi vườn cây đã tốt, cán bộ chiến sĩ Đoàn KTQP 78 vẫn đều đặn đến nắm tình hình kiểm tra. Nhờ vậy, một số loại bệnh trên cây vừa phát sinh đã được điều trị tức thì, tránh lây lan sang các cây khác” - Trung úy Tạ Minh Đoàn của Đoàn KTQP 78 cho hay.

Theo Đại tá Hồ Đăng Hệ, Chính ủy Đoàn KTQP 78, những năm qua, đơn vị thường xuyên quan tâm, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số làm kinh tế, trong đó chú trọng phát triển cây cao su. Nhờ vậy, đến nay đã có hàng chục ha cao su được các đơn vị giúp dân trồng, phát triển ổn định. Và chỉ một năm nữa thì những hộ đầu tiên được đơn vị giúp trồng cao su sẽ cho thu hoạch. Đó là niềm vui không chỉ cho dân mà cho cả những người lính ở vùng biên như chúng tôi.

Vững vàng thế trận lòng dân

Không chỉ giúp dân thoát nghèo, những năm qua Đoàn KTQP 78 còn xây dựng mô hình “gắn kết hộ” đã tạo được hiệu quả rõ nét. Với phương châm “Đoàn KTQP 78 gắn với huyện - xã, đội sản xuất gắn với thôn làng; hộ gia đình công nhân gắn kết với hộ đồng bào địa phương”, mô hình trên đã tạo được niềm tin trong nhân dân đối với đơn vị, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Nội dung cam kết "gắn kết hộ" sát thực với người địa phương và công nhân trong đơn vị. Đồng thời gắn trách nhiệm cho mỗi bên như: Giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đoàn kết trong cộng đồng, không tham gia các tệ nạn xã hội... Cán bộ, công nhân đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn, cùng nhân dân tham gia lao động sản xuất, giúp nhau trong cuộc sống.

Trung tá Tạ Minh Đoàn, cán bộ Đoàn KTQP 78 kể: “Cách đây khoảng 2 năm, khi đơn vị tôi kết nghĩa với làng Le, một hôm trong làng nhiều người bị ốm, họ đề nghị hộ công nhân gắn kết phải ủng hộ 1 con lợn để cúng trị bệnh. Nhưng mọi người đã đến thăm hỏi động viên gia đình, chứ không đưa lợn để làng cúng và giải thích cho dân hiểu không có chuyện cúng Yàng sẽ khỏi bệnh”. Sau khi được động viên, chỉ dẫn, dân làng đã chở những người bị ốm ra trạm xá xã khám và điều trị bệnh.

Mô hình gắn kết trên cũng đã giúp cán bộ công nhân viên đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ các biểu hiện tiêu cực của xã hội, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tích cực đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch... Nhờ vậy mà những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi đây luôn được giữ vững. "Nhờ mô hình này mà tình cảm của mọi người trong các buôn, làng ngày một gắn kết. Người dân Gia Rai, Rơ Mâm nơi đây luôn tin tưởng bộ đội cụ Hồ. Bộ đội luôn có mặt khi dân cần, giúp dân tận tình nên ai cũng quý và tin yêu" - H'Rách Láo một người con của làng Kênh tâm sự.

Bài và ảnh: Cao Nguyên