Phương châm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Việt Nam được gói gọn trong 16 chữ thuộc Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ. Đó là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có mục tiêu GDP đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
Đoàn kết
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến cũng như thời bình, trong chống ngoại xâm cũng như chống giặc đói, giặc dốt, dịch bệnh. Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, được bồi đắp bởi đặc điểm văn hóa, tập tính, cách giáo dục trong gia đình và trong cộng đồng, do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, mà cụ thể là quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm... Càng trong gian khó, tinh thần đoàn kết của dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ lại đưa hai chữ “đoàn kết” lên đầu tiên trong “chủ đề của năm 2022”. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến nay đều dựa trên nền tảng cơ bản là tìm được “mẫu số chung về lợi ích của các tầng lớp nhân dân”.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, sức mạnh đại đoàn kết tiếp tục được phát huy. Ngày 29/5/2020 Chính phủ ra Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nghị quyết nêu cao ý nghĩa của sự đồng thuận toàn xã hội là “vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ”.
Việt Nam có gần 20 triệu nông dân, hơn 11 triệu công nhân, gần 5 triệu trí thức, khoảng 2,5 triệu công chức, viên chức, hơn 2 triệu doanh nhân, hơn 13 triệu người thuộc các dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó là hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại 109 quốc gia trên thế giới.
Chính vì vậy, Đảng, Chính phủ cần xác định được “mẫu số chung” về lợi ích, từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước để củng cố vững chắc niềm tin của các giai cấp, dân tộc, các tầng lớp nhân dân.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề đến đời sống nhân dân… Trong bối cảnh đó, càng phải "phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài", như Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ.
Kỷ cương
Để có thể thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, cùng với nêu cao tinh thần đoàn kết, phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp”.
Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì cần đẩy mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nghị quyết 01/NQ-CP nhấn mạnh việc “tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực” là điều dễ hiểu bởi quyền lực và sự “tha hóa quyền lực” nếu không được kiểm soát thì sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Quyền lực khi không được kiểm soát chặt chẽ sẽ làm tha hóa cán bộ đứng đầu - người được trao quyền lực, được nhân danh quyền lực trong quá trình thực thi công vụ. Nhiều cán bộ bị tha hóa thì dẫn đến việc thoái hóa, biến chất của cả bộ máy. Đây là điều mấu chốt làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi và đất nước mất dần sức mạnh.
Tình trạng lạm dụng quyền lực có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực; thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Sự lạm dụng quyền lực thường đi liền với tệ nạn tham nhũng.
Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương cũng gắn với việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả việc áp dụng và thi hành pháp luật.
Trong năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế - chất lượng luật pháp trên một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, tính ổn định chưa cao, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo; các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, văn bản theo thẩm quyền để điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với tình hình mới; công tác thi hành pháp luật chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “chậm, nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân chưa cao.
Bước vào năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, coi đây là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, cụ thể là đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn; tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đầu tư thỏa đáng cho công tác này; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Nhìn lại năm 2021 để thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Trong 10 tháng của năm 2021, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.130 vụ với 4.084 bị can; truy tố 2.024 vụ với 4.056 bị can; xét xử sơ thẩm 1.898 vụ với 3.471 bị cáo về các tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ, sai phạm về kinh tế; trong đó, đối với tội phạm tham nhũng, đã khởi tố, điều tra 266 vụ với 646 bị can; truy tố 250 vụ với 643 bị can; xét xử sơ thẩm 214 vụ với 525 bị cáo.
Nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử. Đó là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án ở lô đất 2-4-6, phố Hai Bà Trưng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đó là vụ án “Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Đó là vụ án “Đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
Đó là vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam.
Đó là vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (Công ty Gang thép Thái Nguyên).
Vào giữa tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương khác.
Ngày 6/1/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 2271/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Tiếp đó, ngày 8/1, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can trong vụ án xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2021 đã đạt hiệu quả cao. Nhân dân tin tưởng mạnh mẽ hơn vào các nghị quyết, chính sách của Đảng, Chính phủ, tạo tiền đề để đất nước bước vào năm 2022 với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu lớn hơn nữa.