10:07 29/10/2016

Đìu hiu chợ Quán

Chợ Quán, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào sử dụng đầu tháng 9/2016. Nhưng đến nay, chợ vẫn đang trong tình trạng “đìu hiu”, vắng bóng người bán lẫn người mua do vẫn tồn tại cùng lúc một chợ tạm.

Năm 2011, chợ Quán được đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn chợ loại III, diện tích hơn 5.700 m2, quy mô trên 200 điểm kinh doanh (bao gồm nhà chợ chính, khu chợ phụ, dãy ki ốt mặt đường, khu họp chợ lưu động...). Chợ Quán kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn và các phường, xã lân cận như Liên Hòa, Tiền Phong cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, chợ đi vào hoạt động gần hai tháng nay nhưng mới có khoảng 20 hộ kinh doanh. Theo nội quy, chợ họp cả ngày nhưng các tiểu thương cũng chỉ mở hàng bán vào buổi chiều, tình trạng buôn bán ế ẩm làm nản lòng cả tiểu thương lẫn chủ đầu tư.

Chợ Quán được đầu tư xây mới nhưng đìu hiu.

Ông Đỗ Quang Thép, xóm Đông, xã Liên Vị (chủ đầu tư chợ Quán) cho biết: năm 2010, xã Liên Vị có chủ trương xây dựng chợ nông thôn mới theo hình thức xã hội hóa nhưng chưa có ai dám đầu tư vì số vốn quá lớn. Đến năm 2011, khi được vận động, gia đình ông Thép bán nhà cửa, đất đai, vay thêm ngân hàng để đầu tư xây dựng chợ nhưng đến nay khi chợ xây dựng xong thì hiệu quả đạt được rất thấp.

"Gia đình tôi đầu tư vào xây dựng chợ trên 10 tỷ đồng; trong đó, gần một nửa là tiền vay ngân hàng. Mặc dù, chúng tôi tạo mọi điều kiện thu hút tiểu thương về chợ như: giảm phí chợ (hiện tại chỉ thu 100.000 đồng/vị trí/tháng), miễn phí vệ sinh, nước; miễn phí chợ một số loại hàng... nhưng vẫn không thu hút được tiểu thương", ông Đỗ Quang Thép nói.

Ông Thép cho biết thêm, nguyên nhân chính khiến việc chợ Quán hoạt động không hiệu quả là do trên địa bàn xã đang tồn tại chợ tạm (còn gọi là chợ Bóp) ở xóm Quán. Chợ Bóp hoạt động từ 5 - 7giờ sáng và đa phần người dân trên địa bàn vẫn đang mua bán tại chợ này.

Bà Trần Thị Lụa, tiểu thương kinh doanh tại chợ Quán chia sẻ, sau khi về chợ mới, việc buôn bán rất ế ẩm. Chợ họp đến 16 giờ đã tan, bà Lụa già yếu không dọn được đồ ra, lại phải thuê thêm người giúp việc mà cứ đà này thì không biết lấy gì trả công cho họ. Quầy hàng hoa quả, đồ ăn cũng không bán được hàng. Nếu chính quyền không sớm có giải pháp xử lý thì các tiểu thương không biết làm ăn ra sao.

Theo tìm hiểu, năm 2013, UBND xã Liên Vị có văn bản gửi UBND thị xã Quảng Yên về việc người dân họp chợ tự phát hai bên đường trục chính của xã (tuyến đường Cầu Chanh - Liên Vị) gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Ngay sau đó, thị xã Quảng Yên đã có công văn số 1087/UBND-QLĐT với nội dung “Trong khi chờ dự án chợ Quán hoàn thành và để đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên tuyến đường, UBND thị xã đồng ý với đề nghị của UBND xã Liên Vị di chuyển tạm các hộ kinh doanh tại khu vực xóm Bầu đến địa điểm mới tại tuyến mương xóm Quán, xã Liên Vị; giao UBND xã Liên Vị quản lý, sắp xếp các hộ kinh doanh tại vị trí mới đảm bảo an toàn giao thông, tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường tại khu vực”.

Tuy nhiên, căn cứ vào công văn này, UBND xã Liên Vị lại kêu gọi xã hội hóa đầu tư bê tông hóa tuyến mương làm mặt bằng chợ tạm, giao cho hộ ông Đỗ Văn Phượng, trú tại xóm Bầu đầu tư và quản lý lâu dài. Sự việc này dẫn đến tình trạng khi chợ Quán đi vào hoạt động, thị xã yêu cầu dẹp bỏ chợ tạm thì có sự phản ứng ngược từ phía ông Đỗ Văn Phượng. Ông Phượng cho biết đồng ý với chủ trương dẹp bỏ chợ tạm này nhưng yêu cầu địa phương phải hỗ trợ lại phần chi phí đầu tư mà gia đình đã bỏ ra (dự toán ban đầu trên 700 triệu đồng).

Lý giải về việc này, ông Lê Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Vị cho biết, vào thời điểm đó, địa phương không có ngân sách để đầu tư bê tông mặt tuyến mương làm mặt bằng chợ tạm nên xã đã họp và kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh doanh sớm chuyển vào chợ Quán, đồng thời xin chủ trương của thị xã liên quan tới việc hỗ trợ kinh phí đầu tư của hộ ông Đỗ Văn Phượng.

Chợ Bóp được xây dựng trên đoạn mương, giáp với đường đi của người dân xóm Quán, do vậy vào giờ cao điểm gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực. Cũng theo phản ánh của một số hộ dân, mặc dù chợ được quét dọn sau khi họp nhưng trong quá trình buôn bán, rác thải vẫn bị các tiểu thương vứt bừa bãi, nước thải từ cá, tôm hải sản cũng xả trực tiếp xuống hệ thống thoát nước bốc mùi hôi thối khó chịu. Theo quy định, chợ tạm này chỉ được họp vào buổi sáng nhưng trên thực tế chợ vẫn họp cả vào buổi chiều.

Ngày 20/9, thị xã Quảng Yên tiếp tục có văn bản 254/TB-UBND thông báo về việc đưa chợ Quán mới đi vào hoạt động. Theo đó, tổ chức sắp xếp, ổn định hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương tại chợ Quán mới trong 5 ngày từ 21/9 đến 25/9; giao UBND xã Liên Vị ngoài việc thông báo rộng rãi, công khai trên hệ thống loa đài, vận động các hộ tiểu thương nghiêm túc thực hiện các quy định họp chợ đúng quy định thì phải xây dựng ngay kế hoạch dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm, các điểm họp chợ sai quy định trên địa bàn xã, báo cáo về UBND thị xã trước ngày 10/10. Trong quá trình thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chống đối theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền xã Liên Vị vẫn chưa có một động thái quyết liệt nào thực hiện chỉ đạo trên của thị xã. Xã Liên Vị cũng chưa có phương án, kế hoạch cụ thể dẹp bỏ điểm chợ Bóp.
Nguyễn Hoàng