05:09 02/05/2012

Dịp nghỉ lễ 30/4-15: Phòng trọ nâng giá, các điểm vui chơi quá tải

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay với 4 ngày nghỉ tạo ra sức hút lớn du lịch trong nước, trong đó chủ yếu là các tour ngắn ngày. Các điểm du lịch có tiếng vẫn là những nơi hút khách, đặc biệt là du lịch biển miền Trung.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay với 4 ngày nghỉ tạo ra sức hút lớn du lịch trong nước, trong đó chủ yếu là các tour ngắn ngày. Các điểm du lịch có tiếng vẫn là những nơi hút khách, đặc biệt là du lịch biển miền Trung.

Giá đồng loạt tăng

Dịp nghỉ lễ 30/4, đồng loạt các điểm du lịch biển trong cả nước đều tổ chức khai trương mùa du lịch như: Tuần văn hóa du lịch Đồng Hới (Quảng Bình), Tuần lễ du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa), Khai mạc du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An), Liên hoa du lịch “Đồ Sơn biển gọi 2012”… Tuy nhiên, rầm rộ nhất là lễ hội Carnaval và Lễ đón nhận danh hiệu là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới tại Hạ Long, Lễ hội pháo hoa với tên gọi “Sắc màu Đà Nẵng”.

Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên kinh doanh đơn vị nước ngoài đang nghỉ tại Đà Nẵng dịp này cho biết: “Gia đình tôi đặt phòng khách sạn 2 sao tại Đà Nẵng trước đó 1 tháng, nhưng giá đặt phòng đắt hơn ngày thường khoảng 50%; còn nếu đặt trước 10 ngày, giá đắt gấp 2 lần. Sát ngày mới đặt thì giá đắt gấp 3 (1,8 triệu đồng/phòng). Còn xem bắn pháo hoa vị trí đối diện tại các quán cà phê đều phải mua chỗ trước, giá 230.000 đồng/người lớn và 100.000 đồng/trẻ em. Nhìn chung mọi dịch vụ dịp lễ 30/4 đều đắt”.


Các em học sinh tham quan Khu du lịch Suối Tiên.


Theo Sở VH,TT&DL Đà Nẵng, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có khoảng 400.000 lượt khách tới Đà Nẵng, tăng 20% so với năm trước. Dịp nghỉ lễ 30/4 được coi là mở màn cho mùa du lịch hè tại Đà Nẵng và miền Trung. Do là điểm trung chuyển thuận tiện nên Đà Nẵng trở thành điểm đến miền Trung với các chuyến bay đều kín khách.

Các hãng lữ hành đều chung nhận định, dịp nghỉ lễ 30/4, cầu tăng đột biến do các gia đình đều muốn tận dụng ngày nghỉ đi du lịch. Tùy phân khúc thị trường và khả năng cung ứng dịch vụ được ký với đối tác mà các doanh nghiệp lữ hành quyết định lượng tour và lượng khách phục vụ.

Chị Tuyết Minh, đại diện HG Travel cho biết: “Chúng tôi hướng tới phân khúc thị trường cao cấp bởi dịch vụ ít tăng đột biến vào mùa cao điểm. Dù vậy, chúng tôi vẫn khuyến cáo khách hàng về các dịch vụ phát sinh trong dịp này sẽ cao. Thông thường giá tour dịp nghỉ lễ 30/4 cao hơn so với ngày thường khoảng 20%.

Trong khi đó, với các hãng du lịch có thương hiệu có triển khai các tour gom khách lẻ như Vietravel, Saigontourist cũng đạt mức tăng trưởng khá. Anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho hay: Dù kinh tế khó khăn nhưng người Việt vẫn có nhu cầu đi du lịch lớn. Chính vì vậy, bên cạnh tour cao cấp, đơn vị cũng đưa ra tour du lịch tiết kiệm. Lượng khách Vietravel phục vụ dịp này là khoảng 25.000 lượt, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Giá dịch vụ ngày lễ tăng hơn so với ngày thường khoảng 20-30%.

Bà Phạm Ngọc, đại diện Hanoi Redtour cho biết: Tại thị trường Hà Nội, lượng khách chỉ tăng nhẹ 5%. Các tour nước ngoài phổ biến thị trường gần như Thái Lan, Malaixia, Xinhgapo, Hồng Công, Trung Quốc; tuyến xa có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Với các tour nội địa, du lịch biển tại duyên hải miền Trung, Côn Đảo, Phú Quốc hấp dẫn du khách. Các tour ngắn ngày phía Bắc bằng đường bộ có sức hút là Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa - Bắc Hà (Lào Cai), Hà Giang, Cao Bằng thu hút khá đông du khách.

Quá tải các điểm vui chơi trong thành phố

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, các điểm vui chơi, khu du lịch luôn chật cứng do lượng khách tại các khu dân cư lân cận đổ về.

Chị Nguyễn Thị Hòa, đến từ Hòa Bình cho biết: “Do đã hứa với con nhỏ nên dịp nghỉ lễ 30/4 tôi cho các cháu về Thủ đô chơi và đi xem thú. Mới hơn 8 giờ, vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) đã đông nghẹt người. Dù đã được người quen ở thành phố cảnh báo một số điểm vui chơi ở thủ đô sẽ đông người nhưng không ngờ lại đông như vậy. Các dịch vụ xung quanh cái gì cũng đắt gấp 2-3 lần”.

Theo ghi nhận, các điểm vui chơi như Công viên Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây khá đông, nhiều người phải xếp hàng dài để chờ đến lượt chơi. Các rạp chiếu phim và trung tâm thương mại cũng khá đông nhưng không đến mức quá tải.

Tại TP.HCM, đại diện các khu vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam... cho biết, các ngày 28, 29, 30/4, đã có hàng chục nghìn khách TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận đổ về đây.

Các khu du lịch, vui chơi giải trí khác như Thảo cầm viên Sài Gòn, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng TP.HCM… cũng thu hút hàng ngàn khách tham quan. Các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách, thu hút lượng lớn khách mua sắm và tham quan. Tối 1/5, tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (Phú Mỹ Hưng) đã diễn ra đêm hội nhảy Flash Mob lớn nhất với quy mô hàng ngàn người tham dự, nhằm kêu gọi tinh thần yêu thương, chia sẻ và bảo vệ môi trường.

Trong ngày 30/4, TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, được đông đảo người dân mong chờ, đó là đón đoàn đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM về đến đích tại trước Dinh Thống Nhất và bắn pháo hoa tại hai điểm cửa hầm sông Sài Gòn (quận 2) và công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Dịp lễ 30/4 và /1/5 là quãng thời gian hiếm hoi người dân có cơ hội được nghỉ ngơi, tham quan, giải trí tại các địa điểm du lịch. Thế nhưng phương tiện đi lại khó khăn, các tuyến cửa ngõ luôn ùn tắc khiến người dân phải mất hàng tiếng đồng hồ mới “thoát” ra khỏi thành phố.

Mặc dù Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM tăng khoảng 1.400 chuyến xe buýt trên 16 tuyến qua các bến xe và khu vui chơi giải trí, nhưng rất nhiều tuyến vẫn quá tải do lượng người đi lại quá đông. Chính vì thế, nhiều người dân đã chuyển sang đi xe gắn máy và hiện tượng “chặt chém” tại các bãi giữ xe diễn ra khá phổ biến do lượng xe quá đông. Tại khu vực các cổng bến xe, khu du lịch, giá gửi xe máy đều được “hét” 15.000 - 20.000 đồng/ngày, so với mức 5.000 đồng/ngày bình thường.

Bài và ảnh: Xuân Minh - Sĩ Dũng