04:17 18/04/2015

Điều tra thông tin 'công an đánh dân' ở Gia Lai

Hiện chưa có kết luận chính thức song qua công tác điều tra, bước đầu cho thấy Cảnh sát giao thông huyện Chư Pưh (Gia Lai) không có dấu hiệu đánh người dân.

Những ngày gần đây, người dân ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) xôn xao trước thông tin về việc anh Phạm Thanh Phúc, ở thôn Phú Bình, bị Cảnh sát giao thông huyện Chư Pưh đánh đập gây thương tích ngay tại trụ sở của công an xã Ia Le. Anh Phạm Thanh Phúc được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị trong thời gian 6 ngày (từ ngày 9/4 đến ngày 15/4/2015) và đã xuất viện trở về nhà.


Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh, Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh, cho biết: Sự việc đang được đơn vị chức năng tiến hành điều tra làm rõ. Hiện nay chưa có kết luận chính thức song qua công tác nắm tình hình, thu thập thông tin và chứng cứ từ cả hai phía, bước đầu cho thấy Cảnh sát giao thông huyện không có dấu hiệu đánh người mà chính bản thân anh Phúc tự gây nên thương tích trên thân thể.
 

Vết xước trên người anh Phạm Thanh Phúc. Ảnh Văn Thông



Sự việc diễn ra vào khoảng 8 giờ ngày 9/4/2015, khi Tổ công tác Cảnh sát giao thông của Công an huyện Chư Pưh gồm các cán bộ chiến sĩ: Lê Công Ngọc – Tổ trưởng và Đàm Ngọc Hùng, Trần Xuân Hậu, Lê Mạnh Cường, đều là tổ viên đang làm nhiệm vụ tại đoạn đường Quốc lộ 14 thuộc địa phận thôn Phú Bình, xã Ia Le thì phát hiện anh Phạm Thanh Phúc (sinh năm 1985, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở thôn Phú An, xã IaLe, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) điều khiển chiếc xe mô tô mang biển kiểm soát 81AR – 002.11 đi theo hướng Đăk Lăk – Gia Lai, đầu không đội mũ bảo hiểm, xe mô tô không có gương chiếu hậu bên trái.

Lực lượng cảnh sát giao thông ra dấu hiệu dừng xe lại để kiểm tra song Phạm Thanh Phúc cố tình chạy thêm một đoạn rồi mới dừng lại và bỏ xe bên lề đường. Phạm Thanh Phúc đi nhanh vào một nhà dân phía trong và lúc ra có cầm một chiếc mũ bảo hiểm trên tay và nói: "Tôi có vi phạm gì mà mấy ông chặn xe tôi". Tổ Cảnh sát giao thông yêu cầu Phạm Thanh Phúc xuất trình giấy tờ xe để kiểm tra. Phúc không xuất trình được giấy tờ mà còn la lối, chửi bới và chống đối người thi hành công vụ. Tổ Cảnh sát giao thông buộc phải áp giải Phúc về trụ sở Công an xã Ia Le để xử lý vi phạm giao thông.

Tại đây, Phạm Thanh Phúc không những không chấp hành pháp luật mà còn tiếp tục lớn tiếng la hét, chửi bới không chịu hợp tác. Ngồi tại bàn làm việc, bất ngờ Phạm Thanh Phúc tự bứt dây chuyền bằng bạc và dùng nanh heo rừng dài khoảng 8cm đeo trên cổ (răng nanh có màu trắng, đầu nhọn phía trên, đầu tù phía dưới) tự đâm và rạch liên tiếp nhiều cái vào trán và ngực làm máu ở trên trán chảy xuống mặt rồi hô hoán "công an đánh dân". Trước tình thế này, Thiếu úy Trần Xuân Hậu, Cảnh sát giao thông huyện, mới lao vào ôm Phúc lại với mục đích không cho đối tượng tiếp tục hành động gây hại thân thể nữa và còng tay đối tượng lại đưa đến cơ sở y tế điều trị vết thương. Hiện vật (nanh heo rừng) đã được cơ quan Công an huyện thu giữ và niêm phong để phục vụ công tác điều tra.

Tuy nhiên, có báo đã dẫn lời của Phạm Thanh Phúc cho rằng: “Tại đây anh Phúc được đưa vào phòng kín, liền lúc đó anh bị một cảnh sát tát vào mặt, nắm cổ áo đập đầu anh vào tường khiến anh bị choáng váng. Khi anh Phúc vùng vẫy thì bị một người dùng còng số 8 còng hai tay anh ra phía sau rồi tiếp tục đánh đập khiến anh bị chảy máu nhiều ở vùng đầu và mặt”.

Theo Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh, việc anh Phúc bị Công an đánh đập là hoàn toàn không có cơ sở, bởi lời khai của anh Phúc trước cơ quan điều tra là "không biết cụ thể ai đánh và đánh bằng vật gì, bởi lúc đó trong phòng đã tắt điện không nhìn thấy gì cả...", mặc dù thời điểm đó mới vào khoảng 9 giờ sáng.

Những vết thương trên người của Phạm Thanh Phúc đã được Trung tâm pháp y tỉnh Gia Lai kết luận như sau: Hoàn toàn không có tác động của vật to hoặc lực tay của con người tác động, bởi không bị bầm tím diện rộng và không có khối u tụ máu dưới da đầu. Trường hợp của bệnh nhân Phạm Thanh Phúc có nhiều vết xước da bao gồm ở đầu (vùng trán) và từ cổ đến ngực. Về mặt cơ chế hình thành các vết xước da diện dài, nhỏ, nông, nghi nhiều là do vật cứng, nhọn tác động gây nên.

Làm việc với phóng viên, các cán bộ công an xã Ia Le cùng trực tiếp giải quyết vụ việc và chứng kiến sự việc đều cho rằng sự việc diễn ra tuần tự như trên là hoàn toàn đúng sự thật, đồng thời khẳng định không có chuyện "Công an đánh dân" tại trụ sở Công an xã Ia Le như anh Phạm Thanh Phúc đã nói.


Trần Việt (TTXVN)