09:09 17/09/2011

Điều chỉnh mức lương tối thiểu: Giám sát, hạn chế doanh nghiệp “lách” luật

Từ 1/10/2011, lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh tăng, tuy nhiên không loại trừ sẽ có một số doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn trong sản xuất sẽ tìm cách “lách” luật, chẳng hạn như: cắt giảm các khoản trợ cấp để bù vào lương, bỏ cách tính lương theo bậc lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)...

Từ 1/10/2011, lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh tăng, tuy nhiên không loại trừ sẽ có một số doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn trong sản xuất sẽ tìm cách “lách” luật, chẳng hạn như: cắt giảm các khoản trợ cấp để bù vào lương, bỏ cách tính lương theo bậc lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)...

Doanh nghiệp “lách” luật

Thực tế cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, đa số DN trên địa bàn đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Còn mức lương tối thiểu của Nhà nước đưa ra được DN dùng để ghi trên hợp đồng lao động và làm căn cứ đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Thực hiện quy định về tăng lương tối thiểu đợt này, mức đóng BHXH của doanh nghiệp cho người lao động sẽ tăng lên. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Một đại diện của Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh cho biết: Hầu hết DN trong KCN - KCX là DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện đã trả lương cho người lao động trên 2 triệu đồng/tháng, có DN trả lương thực tế của người lao động 3 - 6 triệu đồng/người/tháng (cao hơn quy định mới về mức lương tối thiểu được áp dụng từ 1/10/2011). Vì vậy, DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ít bị tác động bởi quy định này. Tuy nhiên, việc nâng mức lương tối thiểu vẫn tạo thêm áp lực để DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mức lương hiện đang áp dụng cho người lao động. Bởi vì, thời gian qua nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài trả lương thấp (nhưng vẫn cao hơn lương tối thiểu) vì các công ty mẹ (ở nước ngoài) không chấp nhận trả lương cho công nhân ở Việt Nam cao khi mà lương tối thiểu được Nhà nước quy định thấp. Ngoài ra, việc tăng mức lương tối thiểu lần này cũng sẽ khiến các khoản như: BHYT, BHXH, chế độ thai sản... tăng lên 50 - 60% so với trước. Do đó, việc Chính phủ quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/10 sẽ cải thiện được đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh một số DN thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, vẫn có một số DN sẽ đối phó với việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu bằng cách như: Trốn, chậm, nợ đóng BHXH; trong việc tuyển dụng lao động thì không ký hợp đồng lao động; một số khác sẽ cắt giảm các khoản phụ cấp như xăng xe, tiền thưởng để bù vào khoản tăng lương tối thiểu... Khi đó, người lao động không được hưởng lợi từ chính sách tăng lương và Nhà nước cũng sẽ không thu được tiền tăng lên trong quĩ BHXH.

Chị Nguyễn Phụng Tế, Chủ tịch Công đoàn Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) cho biết: Với việc điều chỉnh lương tối thiểu lần này, nhiều DN trong nước sẽ gặp khó khăn hơn DN nước ngoài. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đối với DN trong nước hiện nay là 1.350.000 đồng/tháng. Theo mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng từ 1/10/2011 – 31/12/2012, lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng lên 2.000.000 đồng/tháng. Như vậy, với lương của một công nhân tại DN nếu hệ số 4 x 2 triệu đồng/tháng sẽ thành 8 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương cũ chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng theo mức lương mới sẽ nâng tổng quỹ lương lên của DN lên quá cao, có thể vượt quá khả năng chi trả của DN. Do đó, muốn tồn tại, DN có thể buộc phải điều chỉnh thang bảng lương, điều chỉnh lại hợp đồng lao động... để hài hòa lợi ích của cả người lao động lẫn DN.

Tăng cường giám sát

Hàng tháng, người lao động lĩnh lương của DN trả qua thẻ ATM (ảnh chụp tại khu vực rút tiền qua ATM của KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM).


Để hạn chế tình trạng có một số DN tìm cách đối phó với việc tăng lương tối thiểu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM đã yêu cầu công đoàn các cấp tổ chức tăng cường giám sát việc điều chỉnh lương cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp của DN, không để xảy ra tình trạng DN thực hiện không đúng, không đầy đủ. Đảm bảo không xảy ra tình trạng DN hạ bậc lương đang hưởng của người lao động, cắt giảm các trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng... Đối với các DN đông công nhân, thường hay xảy ra tranh chấp lao động thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn cho công đoàn cơ sở trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.

Ngoài ra, theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, Nhà nước có cần có thêm biện pháp hỗ trợ cho DN để chính sách này thu được kết quả cao như: Giảm tiền thuê đất cho những khu vực có công nhân ở trong DN; miễn, giảm thuế thu nhập DN; những DN làm tốt trong việc nộp BHXH thì giãn thời gian nộp cho 3 tháng hoặc 6 tháng để DN giảm bớt áp lực về vốn trong lúc lãi suất tăng cao như hiện nay.

Đối với những DN gặp khó khăn mà trốn, chậm, nợ đóng BHXH, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện thu nhập của công nhân còn ở mức thấp, chỉ đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu. Nếu xảy ra tai nạn, ốm đau hoặc hết tuổi lao động, thì cuộc sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy theo quy định của đợt tăng lương tối thiểu lần này DN sẽ phải đóng BHXH cho người lao động tăng lên. Tuy nhiên, nhiều DN gặp khó khăn sẽ “trốn” đóng BHXH, nếu DN nào “trốn” thì BHXH sẽ đề nghị xử phạt, kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi cho người lao động.

Ông Tấn Định, Phó Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi lần nghe tới tăng lương thì giá nhà trọ, giá thực phẩm... đã tăng trước. Vì vậy, để ổn định đời sống cho công nhân bằng tiền lương phải giữ được giá cả ổn định, giải quyết được khó khăn nhà ở, nhà trẻ cho con của công nhân, đưa hàng bình ổn giá đến với người lao động...

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết