06:23 10/06/2012

Điều chỉnh để phù hợp thực tiễn

Nguyện vọng của người nông dân đối với chính sách BHNN là được giảm mức phí và mở rộng lĩnh vực rủi ro đối với cây trồng và vật nuôi.

Nguyện vọng của người nông dân đối với chính sách BHNN là được giảm mức phí và mở rộng lĩnh vực rủi ro đối với cây trồng và vật nuôi.

Giảm phí


Trong quá trình triển khai BHNN, nhiều địa phương cho rằng quy định hiện có nhiều điểm chưa hấp dẫn người dân, trong đó yếu tố mức phí bảo hiểm cao.


Ông Phạm Hữu Lăng, Trưởng thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), thành viên trong Ban chỉ đạo triển khai BHNN của xã cho biết: Mặc dù đã tích cực đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích về BHNN và vận động bà con tham gia nhưng do “mức phí bảo hiểm quá cao, cộng với những quy định bất hợp lý trong quy chế bảo hiểm nên người dân không mấy mặn mà”. Theo ông Lăng, cả thôn Kiến Xá có 700 hộ canh tác với 106 ha lúa, trong đó có 34 hộ nghèo. Hộ nghèo do được miễn phí BHNN nên sẵn lòng tham gia. Còn các đối tượng khác phải đóng phí thì sau gần 9 tháng triển khai vẫn không đăng ký tham gia. Ông Trương Quang Thắng, Trưởng phòng Chăn nuôi của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cũng chung quan điểm này và “Đề nghị giảm mức phí bảo hiểm”.


Trước thực tế trên, ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo Việt cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách BHNN đã điều chỉnh mức phí. Cụ thể, thay vì phải đóng 100.000 - 130.000 đồng/con lợn/năm thì nay chỉ còn 40.000 đồng, hộ cận nghèo chỉ phải đóng khoảng 10.000 - 30.000 đồng. Đối với các loại vật nuôi khác cũng đang nghiên cứu để giảm phí BHNN.

 

Mở rộng phạm vi bảo hiểm


Bên cạnh yếu tố mức phí cao, người dân cũng cho rằng các lĩnh vực bảo hiểm hiện nay chưa đa dạng và sát thực tế. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), với việc thâm canh cao, các loại dịch bệnh có trong danh mục bảo hiểm hiện nay nông dân có thể khống chế được. Trong khi đó, những loại dịch bệnh khác mà người dân thường bị thiệt hại là bệnh bạc lá, sâu cuốn lá... thì lại chưa được bảo hiểm.


Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Bùi Như Ý, Thông tư số 47/2011/TT - BNNPTNT ngày 29/6/2011 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản các loại bệnh được bảo hiểm vẫn còn ít. Đơn cử, đối với trâu bò, chỉ có bệnh lở mồm long móng được bảo hiểm, ở gà chỉ có cúm gia cầm được bảo hiểm, ở lợn chỉ có dịch tai xanh được bảo hiểm nên người dân chưa hưởng ứng cao. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi bảo hiểm một số bệnh khác cho các đối tượng vật nuôi để thu hút người chăn nuôi.


Trước phản ánh của nhiều địa phương, ngày 6/6/2012, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản thống nhất với Bộ Tài chính về việc cần sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản và biểu phí BHNN. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung thêm giông, lốc xoáy, nắng nóng kéo dài vào các loại thiên tai được bảo hiểm quy định tại Thông tư 47/2011/TT - BNNPTNT; bổ sung thêm bệnh đạo ôn vào các loại sâu bệnh, dịch bệnh được bảo hiểm đối với cây lúa. Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn đề nghị bổ sung bệnh tụ huyết trùng, nhiệt thán, dịch tả, đóng dấu, thương hàn. Đối với gia cầm, bổ sung thêm các bệnh truyền nhiễm cấp tính (Gumboro), cầu trùng... Đồng thời, bổ sung thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm; hỗ trợ vắcxin tiêm phòng cho vật nuôi tham gia bảo hiểm; hỗ trợ phí chữa bệnh cho gia súc chưa đến mức bị tiêu hủy.


Để tạo thuận lợi cho nông dân trong việc hưởng bảo hiểm, theo ý kiến đề xuất của Tổ tư vấn BHNN của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ cần có xác nhận của cơ quan chức năng về thiệt hại của bà con chứ không nhất thiết phải là UBND tỉnh công bố dịch.


Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị chính sách nên sửa đổi theo hướng cho các tỉnh lựa chọn các đối tượng tham gia bảo hiểm phù hợp với đặc điểm sản xuất của địa phương mình. Chẳng hạn, ở tỉnh Vĩnh Phúc, bò sữa là vật nuôi có giá trị lớn và các hộ nông dân rất quan tâm đến vấn đề bảo hiểm nhưng BHNN đối với bò sữa chưa áp dụng đối với tỉnh này. Vì thế, Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi Thông tư số 47/2011/TT - BNNPTNT theo hướng để Ban chỉ đạo của tỉnh được lựa chọn các đối tượng được tham gia bảo hiểm phù hợp.

Mạnh Minh