Thị trường smartphone ‘nóng’ trước sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu Việt

Nhiều thương hiệu smartphone Việt thời gian gần đây tung ra hàng loạt sản phẩm khiến thị trường điện thoại phân khúc tầm trung "nóng" lên khi gặp sự cạnh tranh thị phần lâu nay vốn của các thương hiệu ngoại.

Khi thương hiệu Việt khẳng định mình

Vào thời kỳ cao điểm, thị trường smartphone Việt Nam từng ghi nhận có tới hơn 30 thương hiệu Việt "chia chác" thị phần điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên, đến nay số thương hiệu còn trụ lại có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Q-Mobile, Mobiistar, FPT, VNPT, Viettel và mới đây nhất là Bphone.

Mobiistar liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới để người tiêu dùng không quên mình. Ảnh: CTV

Thế nhưng, số đông người còn nhớ đến các sản phẩm điện thoại này chỉ còn sót lại Q-mobile và Mobiistar. Trong đó, Mobiistar liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới trong thời gian gần đây, đó là cách ông Ngô Nguyên Kha - CEO của Mobiistar không muốn người tiêu dùng quên đi thương hiệu của mình.


Theo như ông Ngô Nguyên Kha tâm sự, khi ra mắt hàng loạt sản phẩm vào vài tháng trước, nếu có một thương hiệu điện thoại Việt khác cùng cạnh tranh với Mobiistar, thì đó là điều đáng mừng. “Bởi giống như một người đang đi trên con đường vắng ban đêm, nếu có ai đi cùng thì vui, đỡ sợ", ông Kha ví von.


Đúng như mong đợi của ông Kha, Bphone đã trở lại. Mặc dù ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Bkav, đã không còn “chém gió” mạnh như lần ra Bphone 1 vào năm 2015, thế nhưng đợt ra mắt mới đây vào ngày 8/8 cũng vẫn khiến người tiêu dùng nao núng vì giá quá “chat” chứ không phải “chất” như ông Quảng giới thiệu.

Bphone ở lần ra mắt đợt 1 nhiều ầm ĩ sau đó dần bị lãng quên, nay lại tiếp tục được nhắc đến nhờ sự ra mắt Bphone 2017 vừa qua.

Bởi nhìn vào thực tế, số đông người Việt vẫn suy nghĩ rằng, với điện thoại Việt thì giá phải Việt, nghĩa là phải rẻ. Bởi hầu như ai cũng biết, dù là công nghệ nào, làm ở đâu thì những linh kiện điện tử ở Việt Nam vẫn chưa có.


Điều này cũng đồng nghĩa, ngành công nghiệp phụ trợ linh kiện điện tử tại Việt Nam còn yếu và rất thiếu. Do vậy, dù sản phẩm có mang thương hiệu Việt nhưng chỉ là “vỏ Việt Nam nhưng trong ruột vẫn chỉ là hàng Trung Quốc” vì hầu hết, các linh kiện điện tử được lắp ráp đều phải nhập từ nước này.


Theo đó, với mức giá gần 10 triệu đồng, Bphone 2017 vẫn chưa tạo được sự đồng thuận của người Việt. Trong khi đó, Mobiistar đang là “vận động viên” bền bỉ nhất nếu ví cuộc chiến di động ở Việt Nam như đường chạy marathon. Có thể thấy, xuất phát từ 2009 đến nay, mặc dù Mobiistar nhận vô số lời khen chê nhưng vẫn cần mẫn... đưa ra nhiều sản phẩm mới theo xu hướng thị trường cũng như mức giá tầm trung, giá rẻ để thu hút người tiêu dùng.


Trong khi người tiêu dùng còn đang bất mãn với giá của Bphone thì ngày 15/8 vừa qua, Asanzo – một thương hiệu Việt nhưng chuyên về lĩnh vực điện tử trong mảng thiết bị nghe nhìn, đồ điện gia dụng đã “bạo gan” cho ra mắt sản phẩm smartphone, một lối rẽ hoàn toàn mới và bất ngờ.

Trong khi người tiêu dùng còn đang tranh cãi về thương hiệu Việt, Asanzo bất ngờ bước vào sân chơi này khiến thị trường smartphone thêm sôi động. Ảnh: CTV

Hai sản phẩm của Asanzo ra mắt mang tên S5 và Z5 với giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Trong đó, Z5 là model cao cấp hơn với camera kép chụp xóa phông trong khi S5 có pin 4.000 mAh cho thời lượng sử dụng 2 ngày.


Về cấu hình, Z5 sẽ chạy hệ điều hành Android 7.0 trên nền tảng chip MediaTek MT6750T xung nhịp 1,5 GHz, đồ hoạ Mali-T860, RAM 4 GB, bộ nhớ trong 32 GB. Máy trang bị cảm biến vân tay 1 chạm, hỗ trợ 2 SIM, kết nối 4G LTE.


Trong khi đó, S5 nhấn mạnh vào thời lượng pin. Máy có cấu hình thấp hơn đôi chút với camera chính 13 MP, máy ảnh phụ 8 MP. S5 dùng chip MT 6737, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 16 GB, cảm biến vân tay 1 chạm, Android 7.0. Cả 2 sẽ lên kệ từ ngày 1/9 tại hơn 6.000 điểm bán của Asanzo.


Đọ sức cạnh tranh


Tuy nhiên, nhìn vào hai sản phẩm của Asanzo, giới công nghệ đánh giá chỉ có mức giá là chấp nhận được, còn vẻ bề ngoài của điện thoại vẫn bình thường, thậm chí là kém hấp dẫn, không thu hút người dùng nên khó đọ dáng cùng với các sản phẩm khác cùng giá.  Dù vậy, tuy là lần đầu tiên Asanzo tham gia thị trường smartphone, nhưng CEO Phạm Văn Tam của Asanzo khẳng định thị phần này vẫn còn rất nhiều dư địa và chưa hết cơ hội dù phải cạnh tranh khốc liệt.

Asanzo tự tin cạnh tranh với những hãng điện thoại khác đến từ phân khúc tầm trung. Ảnh: CTV

"Không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm trong nước mà còn các thương hiệu quốc tế, chắc chắn sẽ rất chông gai, đầy khó khăn và thách thức. Do đó, hãng chấp nhận bán hàng không thu về lợi nhuận trong khoảng 2 năm", ông Tam chia sẻ thêm.


Ngoài ra, hãng tự tin sẽ thành công vì có trợ lực từ hệ thống 6.000 đại lý chuyên bán ti vi và các sản phẩm tiêu dùng đã xây dựng trước đó, đồng thời cũng sẽ liên kết với 1.500 cửa hàng bán lẻ điện thoại khác để giúp người dùng dễ tiếp cận hơn với smartphone của hãng.


“Thương hiệu Asanzo là cái tên rất mới mẻ với nhiều người thành thị nhưng lại khá phổ biến ở tỉnh lẻ, nơi người dùng quan tâm nhiều hơn đến mức giá và cân đong đo đếm kỹ lưỡng khi mua sản phẩm gia dụng. Vì thế, Asanzo đủ sức cạnh tranh với các hãng điện thoại khác đến cùng phân khúc”, CEO Tam chia sẻ thêm.

Bphone thì muốn hướng đến người tiêu dùng theo thị phần cận cao cấp.

Việc khai thác thị trường ngách không phải là mới, bởi đối thủ của Asanzo là Mobiistar vẫn đang áp dụng: né các đô thị lớn và tìm thị phần tại vùng nông thôn, nơi đang có nhiều người dùng sở hữu điện thoại cơ bản và sắp chuyển sang smartphone. Chiến thuật này đã chứng minh được hiệu quả khi Mobiistar luôn có mặt trong bảng xếp hạng thị phần của GfK trong vài năm qua, có tháng nhỉnh hơn cả doanh số chính hãng của Apple và bỏ xa các đối thủ ngoại như HTC, Sony.


Với Bphone, Bkav lại chọn một hướng đi riêng, không hướng vào phân khúc tầm trung mà muốn định hướng cho người Việt một cách nhìn mới: hàng Việt không hẳn phải rẻ. Do đó, phân khúc Bphone muốn hướng tới là cận cao cấp và cao cấp, thậm chí là vươn ra nước ngoài để sánh tầm với các hãng điện thoại quốc tế khác như Samsung, Apple, Sony…


Thực tế cho thấy, dù ai có nói ra nói vào thì từ khi Bphone 2017 ra mắt ngày 8/8, đến 15/8 đã có gần 7.500 đơn đặt hàng tại Thế giới di động. Theo đơn vị này, với mỗi đơn hàng, khách hàng sẽ đặt cọc số tiền 500.000 đồng và khi nhận máy, quà tặng được nhận sẽ bao gồm ốp lưng chính hãng, phiếu mua hàng 500.000 đồng, SIM Viettel 4G miễn phí 7GB/tháng trong 6 tháng, đồng thời được trả góp 0% qua đối tác tài chính Home Credit hoặc FE Credit. Với tín hiệu trên, nhiều khả năng đến ngày mở bán, Bphone 2017 có thể sẽ có số đơn hàng cao hơn nữa.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Smartphone cao cấp LG V30 ra mắt cuối tháng 8
Smartphone cao cấp LG V30 ra mắt cuối tháng 8

LG Electronics ngày 8/8 thông báo rằng hãng sẽ cho ra mắt dòng điện thoại thông minh (smartphone) cao cấp LG V30 được trang bị những tính năng cao cấp hàng đầu vào cuối tháng 8 này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN