04:10 08/04/2011

Diện mạo mới từ Khu du lịch đền Hùng

Với sự đầu tư lớn của Nhà nước, cũng như sự "vào cuộc" của các địa phương trong cả nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã trở nên trang nghiêm, khang trang, bề thế hơn trong mùa lễ hội năm nay...

Với sự đầu tư lớn của Nhà nước, cũng như sự "vào cuộc" của các địa phương trong cả nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã trở nên trang nghiêm, khang trang, bề thế hơn trong mùa lễ hội năm nay...

Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, các công trình trong khu di tích đã được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011.

Trong đó, công trình tu bổ, tôn tạo đền Hạ đã hoàn thành phần kiến trúc và đã đưa vào sử dụng phục vụ du khách thập phương về dự lễ hội năm nay. Ngôi đền Hạ được tôn tạo, tu bổ với theo kiến trúc cũ hình chữ nhị (gồm nhà tiền tế, hậu cung) và nhà sắp lễ. Đền được làm bằng khung gỗ lim, tường gạch loại tốt, đảm bảo sử dụng lâu dài. Kinh phí tu bổ đền Hạ là 18 tỷ đồng, do thành phố Hà Nội công đức.


Đền Giếng, nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cũng đã đưa vào sử dụng sau khi hoàn thành cơ bản phần kiến trúc. Ngôi đền này được tu bổ, tôn tạo với kích thước và kiến trúc cũ bằng khung nhà gỗ lim, tường gạch, với kinh phí trên 24 tỷ đồng, do nhân dân tỉnh Quảng Ninh công đức. Sau khi kết thúc lễ hội năm 2011, khu di tích sẽ tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo sân vườn, sơn son thếp vàng đồ thờ tự của đền Hạ và đền Giếng, để tạo cảnh quan khang trang và đảm bảo độ bền vững cho nơi thờ tự.

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã hoàn thành phần kiến trúc, nội thất, sân vườn. Hiện nay, các hạng mục như xây kè hồ phía trước đền, cầu, đường vào, hệ thống điện nước cũng đã hoàn tất những phần việc cuối cùng, kịp phục vụ Giỗ Tổ năm 2011.

Hoàn tất bức tranh gốm với chủ đề "Ngày hội non sông trên đất Tổ" chuẩn bị cho lễ hội Đền Hùng.


Các công trình khác của khu di tích cũng đã được đầu tư để đảm bảo không gian văn hóa của khu di tích, đồng thời phục vụ nhu cầu của nhân dân khi về với đất Tổ. Dự án khu vực ngã năm đền Giếng đã hoàn thành phần hồ nước, các kiốt, đường dạo, sân vườn và hạ tầng kỹ thuật. Cũng trong khu vực này, công trình nhà chụp ảnh nghệ thuật, nhà trưng bày nghệ thuật cũng được đưa vào sử dụng dịp lễ hội năm nay.

Dự án Trung tâm lễ hội với các hạng mục: Sân trước cổng đền, trung tâm lễ hội đã xây dựng xong phần sân lễ hội, khán đài, bảng thông tin điện tử, nhà vệ sinh, đường điện từ đồi Công Quán lên đền Thượng, cải tạo cảnh quan từ ngã năm đền Giếng đến hồ Gò Cong, bãi đỗ xe đồi Mui Rùa. Một trong những công trình được quan tâm xây dựng là bãi đỗ xe rộng 7,5 ha ở phía quốc lộ 32C đã cơ bản hoàn thành trước ngày khai hội giúp giải quyết cơ bản tình trạng thiếu bãi gửi xe ở những mùa lễ hội trước.

Điểm nhấn trong không gian của khu di tích năm nay là bức tranh “Ngày hội non sông trên đất Tổ” bằng gốm màu có diện tích khoảng 700 m2 được khánh thành. Cùng đó là các dự án xây dựng các công trình cải thiện chống ô nhiễm môi trường, hồ Cây Xẻn, khu sinh vật cảnh và nhà trưng bày phong lan... cũng được đưa vào sử dụng.

Ông Lưu Quang Huy, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng) cho biết, năm 2010, nguồn vốn phân bổ cho các dự án thuộc khu di tích là 549 tỷ đồng. Năm 2011, khu di tích tiếp tục triển khai các dự án: Dự án Hệ thống cấp nước cải tạo cảnh quan và phòng chống cháy rừng; dự án hồ dưới chân núi Hình Nhân và đồi Lật Mật; dự án cải tạo đường và hệ thống vỉa hè từ cổng biểu tượng vào khu cảnh quan xung quanh đền Giếng.

Cùng với đó, Khu di tích đang triển khai lập các dự án đầu tư: Cải tạo Bảo tàng Hùng Vương; cổng vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng; cải tạo vườn trồng cây lưu niệm số 2; cải tạo cảnh quan đồi Công Quán; nâng cấp cổng chính lên đền; quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Tháp Hùng Vương và khu sinh thái đặc trưng các vùng miền đất nước...

Đánh giá chất lượng xây dựng, ông Huy cho rằng, các đơn vị thi công đã cơ bản đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình chậm tiến độ do đặc thù các công trình xây dựng trong khu di tích nên phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế để phù hợp với thực tế hiện trường.


Một khó khăn nữa là việc bố trí tái định cư chưa hoàn thành nên không thể di chuyển các hộ dân sống trong khu di tích ra nơi ở mới nên việc bàn giao đất cho Khu di tích quản lý bị chậm; một số trường hợp xác định loại đất, nguồn gốc đất rất khó khăn do thay đổi địa giới hành chính...

Khu di tích lịch sử Đền Hùng được quan tâm đầu tư xứng tầm đã tạo diện mạo mới cho khu di tích. Các nơi thờ tự trang nghiêm, có không gian rộng mở thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, đồng thời đáp ứng mong mỏi của du khách thập phương khi về với Đền Hùng.


Đặc biệt, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, có tính tổ chức cao, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống, an ninh trật tự được đảm bảo đã tạo thành công cho mỗi mùa lễ hội, thể hiện lòng tri ân công đức tổ tiên của mỗi người con đất Việt.

Trương Văn Quân