10:19 06/10/2014

Diện mạo mới cho các trường dân tộc bán trú Điện Biên

Năm học 2014 - 2015 bắt đầu đã hơn 1 tháng, các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở Điện Biên đã đi vào nề nếp, số lượng học sinh tăng cao, trường học ngôi nhà thứ hai của các em.

Năm học 2014 - 2015  bắt đầu đã  hơn 1 tháng, các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở Điện Biên đã đi vào nề nếp, số lượng học sinh tăng cao, trường học ngôi nhà thứ hai của các em. Tất cả là nhờ hiệu quả của Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, theo Quyết định số 85, ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà nội trú của trường Phổ thông dân tộc bán trú Noong U (huyện Điện Biên Đông) do cha mẹ các em và các thầy cô giáo đóng góp vật liệu và công sức dựng nên.


Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến trường PTDTBT - THCS Noong U (xã Noong U, huyện Điện Biên Đông) là sự vui tươi, hồn nhiên trên gương mặt của các em học sinh người Mông, người Khơ Mú… đến từ những bản làng nằm cách xa trường hơn 20 km.

Trường PTDTBT - THCS Noong U được xây dựng trên sườn núi với khuôn viên khá đẹp, các lớp học đều khá  khang trang. Khu nhà nội trú của các em tuy mới chỉ là nhà gỗ, nhưng đã được lợp mái tôn và nền láng xi măng sạch sẽ. Đây là công sức của cha mẹ các em và thầy cô trong trường tự đóng góp vật liệu, lao động trong những ngày nghỉ.

Cô bé Phàng Thị Dùa, 12 tuổi, học sinh lớp 7B1, kể: “Nhà em ở bản Dư O A, cách trường hơn 8km, nên được ở nội trú trong trường. Đến trường học vui lắm, ngoài học chữ, học làm toán và các môn trên lớp, chúng em lại được các thầy cô dạy nhiều thứ khác, được hướng dẫn vui chơi. Nhiều bạn ở bản em ngày trước bỏ học, giờ thấy các bạn đi học vui quá, nên xin đi học trở lại”.

Ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông cho biết: Huyện có 38 trường tiểu học và THCS, thì có tới 30 trường có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT theo Quyết định số 85. Nếu như năm học 2010-2011, toàn huyện chỉ có 112 học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, thì đến năm học 2013- 2014, con số đã lên tới trên 4.500 em.

16 trường dân tộc bán trú còn được hỗ trợ tiền mua tủ thuốc, mua sắm dụng cụ thể thao, nhạc cụ, ti vi… và có tiền hỗ trợ nơi ở cho các em chưa có chỗ  trong nhà nội trú. “Có thể nói, Quyết định 85 là một trong những chính sách hợp lòng dân nhất, đi đến đâu đều thấy các phụ huynh phấn khởi, nên công tác vận động đưa trẻ đến trường cũng thuận lợi hơn. Bản thân các em học sinh, do được chăm sóc tốt hơn, học tập và vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn, nên cũng vui và tự tin, năng động hơn trong cuộc sống. Nhờ vậy chất lượng giáo dục tại các trường bán trú đã nâng lên rất nhiều”, ông Cù Huy Hoàn cho biết.   

Tại trường PTDTBT - THCS xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, cũng dễ dàng cảm nhận được hiệu quả của  những chính sách hỗ trợ đối với con em các dân tộc thiểu số. Phòng ở nội trú của các em được xây dựng khá khang trang, 143 học sinh đủ tiêu chuẩn, được ở nội trú và hỗ trợ tiền ăn, tiền tủ thuốc, dụng cụ thể thao, nhạc cụ…

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Noong U trồng rau để cải thiện bữa ăn.


Phòng ở được bố trí khoa học theo từng nhóm thôn, bản, khiến các em rất yên tâm. Ngoài giờ học, các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi tập thể, chăm sóc vườn rau, vườn hoa, đàn lợn của trường. Nhiều em về nhà còn hướng dẫn cả gia đình cách trồng rau, chăn nuôi theo phương pháp khoa học được học ở trường.
   
Qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh Điện Biên, hầu hết các trường PTDTBT trong tỉnh đều thực hiện tốt chính sách đối với học sinh. Tuy nhiên, để chính sách thật sự đi vào cuộc sống, nhiều địa phương kiến nghị thêm về việc cần ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là xây dựng nhà bán trú. Bởi trên thực tế, hầu hết các nhà bán trú đều là nhà gỗ do phụ huynh học sinh và thầy cô đóng góp vật liệu, triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, quy định về phương pháp lập hồ sơ các đối tượng được thụ hưởng còn khá phức tạp, mỗi năm các thầy cô lại phải đi thu sổ hộ khẩu của các gia đình về để lập danh sách, nên nhiều gia đình không đồng thuận…


Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng