12:23 18/12/2011

Điện Biên: Đường vành đai biên giới cần làm xong trước mùa mưa

Đến với những cung đường vành đai biên giới trong những ngày này, đều tràn ngập một không khí náo nức, khẩn trương trên tất cả các đơn vị tham gia xây dựng tuyến đường lên ngã ba biên giới, nơi “một con gà gáy - 3 nước cùng nghe” của huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Đến với những cung đường vành đai biên giới trong những ngày này, đều tràn ngập một không khí náo nức, khẩn trương trên tất cả các đơn vị tham gia xây dựng tuyến đường lên ngã ba biên giới, nơi “một con gà gáy - 3 nước cùng nghe” của huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là những tuyến đường trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội của vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào.

Dự án đầu tư xây dựng đường Si Pa Phìn từ huyện Mường Chà lên huyện Mường Nhé, phần điều chỉnh bổ sung là dự án đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên với chiều dài tuyến đường dài 102 km. Giai đoạn đầu của dự án đã triển khai thi công xong phần mặt đường đá dăm láng nhựa, hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi.


Từ tháng 4/2011 đến nay, giai đoạn 2 bắt đầu được thực hiện với các hạng mục nâng cấp mở rộng mặt đường từ 3,5 - lên 5 - 5,5 m; điều chỉnh cục bộ các đường cong có bán kính dưới 25 m để các xe có tải trọng lớn có thể lưu thông dễ dàng; tăng cường kết cấu mặt đường bằng lớp bê tông nhựa; bổ sung các rãnh dọc bằng bê tông tại các vị trí dễ bị xói lở; bổ sung các đoạn phòng hộ mềm, phòng hộ bê tông tại các đoạn tuyến đặc biệt nguy hiểm... Cho đến thời điểm này, 12 doanh nghiệp tham gia thi công dự án trên đang nỗ lực hoàn thành phần nền đường trước Tết Nguyên đán để thuận tiện cho các phương tiện giao thông hoạt động.

Chúng tôi đi qua cung đường này khi đêm đã xuống, nhiều nhà thầu thắp điện làm thông đêm. Tiếng xe, tiếng máy náo động cả núi rừng Tây Bắc. Cho đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị thi công đã hoàn thành phần nền đường, mở rộng “cua”, đổ bê tông các rãnh dọc, xử lý cao su mặt đường (vị trí nền yếu, xảy ra đàn hồi lớn khi xe chạy qua), ổn định mái ta luy các khu vực có nguy cơ sụt trượt... theo đúng tiến độ.


Để chuẩn bị thi công phần mặt đường như rải lớp Base dày 24 cm, bê tông nhựa dày 7 cm, các đơn vị thi công đã tập kết hàng “núi” đá xay dọc theo tuyến đường, nhiều trạm trộn bê tông nhựa đã được lắp đặt, chuẩn bị đưa vào vận hành. Ông Phạm Hải Lăng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Thành Phát thi công gói thầu số 12 cho biết: Doanh nghiệp bắt đầu thi công gói thầu này từ tháng 4/2011. Đến thời điểm này đơn vị đã hoàn thành phần nền đường, xử lý cao su, công trình thoát nước... và tập kết đủ vật liệu thi công mặt đường, trạm trộn bê tông nhựa đã được lắp đặt và chạy thử không tải. Dự kiến đến tháng 1/2012, đơn vị sẽ tiến hành rải Base và thảm bê tông nhựa, để tháng 11/2012 sẽ hoàn thành gói thầu trên. Tuy nhiên, trong tổng số giá trị công trình trên 30 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư mới cấp khoảng 23% vốn. Doanh nghiệp mong muốn được chủ đầu tư cấp đủ vốn để nhà thầu triển khai đúng tiến độ thi công.

Gặp một đoàn người Hà Nhì ở xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) đi chơi Tết dân tộc cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, chị Trang Gió Lu, 42 tuổi, ở bản Chung Chải phấn khởi nói: “Đi chơi Tết bằng xe máy thì thích rồi. Những năm trước chúng mình đi thăm nhau ở bản khác, hay lúc có người nhà bị ốm phải đưa đi bệnh viện thì chỉ đi bộ hay chở bằng ngựa thôi. Từ ngày có đường ô tô để đi dân bản thích lắm. Nếu được Nhà nước tiếp tục đầu tư, làm đường ít cong, ít dốc hơn để bà con đi lại, chở thóc, chở lợn gà ra chợ bán thuận tiện là đồng bào biết ơn lắm”. Còn cụ Tao Văn Khứn, nguyên là Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, hiện đang nghỉ hưu ở xã Chà Nưa, huyện Mường Chà lại đánh giá: “Đây là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc gia, nhất là sau vụ việc xảy ra tại bản Huổi Khon (xã Nậm Kè - Mường Nhé) tháng 4 vừa qua. Nhờ có con đường này mà việc điều hành các hoạt động bảo vệ an ninh - chính trị, phát triển kinh tế vừa qua mới kịp thời như vậy. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư kinh phí để hoàn thành giai đoạn nâng cấp tuyến đường này cho hoàn chỉnh, vừa phục vụ tốt nhiệm vụ của tỉnh, vừa thuận với lòng dân địa phương”.


Trong giai đoạn từ năm 2003- 2013, tỉnh Điện Biên được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cấp trên 2.820 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án cải tạo, đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông quan trọng. Tính đến thời điểm này, đã có 4/5 dự án cơ bản hoàn thành đang bàn giao đưa vào sử dụng với tổng số các tuyến đường dài trên 214 km và 49/50 cây cầu. Trên các tuyến này chỉ còn 1 km thuộc một số điểm xung yếu có những phát sinh kỹ thuật, hiện đang được các đơn vị khẩn trương xử lý để đảm bảo an toàn giao thông. Cây cầu thuộc km 39 tuyến đường Chung Chải- Pác Ma nối thông huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) với huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) dọc tuyến biên giới hiện đã thi công xong 3/4 phần dầm mặt cầu, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành, thông xe trước Tết âm lịch. Được biết theo kế hoạch, cây cầu này (thuộc địa phận tỉnh Lai Châu) sẽ hoàn thành trong năm 2011, tuy nhiên do thiếu vốn nên chậm tiến độ, lãnh đạo ngành Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đang động viên nhà thầu bỏ vốn của doanh nghiệp để thi công đạt tiến độ đề ra, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư các dự án trên: Trong tổng nguồn kinh phí trên 2.820 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án giao thông trọng điểm, chủ đầu tư đã thanh toán trên 1.869 tỷ đồng kể từ khi khởi công đến nay, nợ khối lượng hoàn thành vẫn còn tới gần 90 tỷ đồng. Hiện tại, các dự án vẫn còn thiếu tới trên 950,5 tỷ đồng để hoàn thành các công trình dự án, trong đó nhu cầu vốn cho năm 2012 là gần 715 tỷ đồng. Riêng dự án đầu tư xây dựng đường Si Pa Phìn - Mường Nhé cần gần 335 tỷ đồng cho năm 2012. Với tiến độ các gói thầu đang thực hiện tại dự án này, nếu không được Trung ương cấp vốn kịp thời để thi công phần mặt đường trước mùa mưa, phần nền đường đã hoàn thành sẽ bị hư hỏng gây thiệt hại nặng cho các doanh nghiệp; đồng thời gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đến công tác điều hành, bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội của khu vực đặc biệt xung yếu của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng

1