Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 16.000, trong đó số ca tử vong tại Italy đã gần gấp đôi Trung Quốc đại lục. WHO cảnh báo dịch đang tăng tốc khi mất 67 ngày để lên mốc 100.000 ca nhiễm đầu tiên nhưng chỉ mất 4 ngày để vượt mốc 100.000 ca lần thứ ba.
Trong 24 giờ qua, số người tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã tăng thêm gần 2.000 ca, lên 16.365 người. Thêm nhiều nước ngày 23/3 đã áp đặt các lệnh phong tỏa cũng như nhiều biện pháp gắt gao khác để khống chế căn bệnh nguy hiểm này. Theo thống kê sơ bộ của hãng tin AFP, khoảng 1,7 tỷ người trên toàn thế giới đã được yêu cầu không ra khỏi nhà.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23/3 cảnh báo "đại dịch COVID đang tăng tốc". Ông cho biết, COVID-19 "mất 67 ngày kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận lên tới mốc 100.000 ca nhiễm đầu tiên, 11 ngày để tăng lên mốc 100.000 ca thứ hai và chỉ mất 4 ngày, để cán mốc 100.000 ca lần thứ ba". Ông Ghebreyesus cũng cảnh báo việc sử dụng các loại thuốc chưa được thử nghiệm để điều trị bệnh nhân COVID.
Anh phong tỏa toàn quốc, sẽ "lật ngược tình thế" trong 12 tuần
Tại Anh, trong 24 giờ qua có thêm 54 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch lên 335 người và 5.837 trường hợp mắc bệnh. Rạng sáng ngày 24/3 (theo giờ VN), Chính phủ Anh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ tướng Boris Johnson cho biết, ông "muốn đưa ra với người dân Anh một hướng dẫn đơn giản: Các bạn phải ở yên tại nhà". Lệnh phong tỏa cũng yêu cầu đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu và cảnh sát sẽ được triển khai để giám sát người dân thực hiện.
Cùng ngày 23/3, Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước các phóng viên rằng nước Anh có thể "lật ngược tình thế" trong cuộc chiến chống COVID-19 trong vòng 12 tuần tới. Ông cho biết sẽ rất sớm thôi, chính phủ có thể tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn. Hiện tại, các lực lượng cảnh sát, hải quan và y tế công cộng đã được phép bắt giữ bất cứ ai tình nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 theo quyền lực khẩn cấp mới của chính phủ. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, 7.500 cựu nhân viên y tế đã tình nguyện quay trở lại làm việc hỗ trợ chống dịch.
Italy trong "thời chiến"
Đất nước Italy tiếp tục trải qua một ngày căng thẳng vì cuộc khủng hoảng COVID-19 khi có thêm 602 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.077 ca, tức là gần gấp đôi so với con số tử vong tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch (với 3.270 ca tử vong). Tuy vậy, số ca nhiễm mới ở Italy đang tiếp tục đà giảm của hai ngày trước đó, với 4.789 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 63.927 ca.
Chính phủ Italy đã áp đặt lệnh ngừng mọi hoạt động đi lại trên toàn quốc và ra lệnh đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh tế không thiết yếu trong nỗ lực giữ chân người dân ở trong nhà. Các doanh nghiệp Italy sẽ phải đóng cửa đến ngày 3/4. Ngày 23/3, Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo chính phủ tiếp tục đặt mua hơn 6.500 máy thở và 120 triệu khẩu trang sẽ được cung ứng trong tuần tới. Trong ngày 23/3, Italy đã cung cấp bổ sung 4 triệu khẩu trang và 125 máy trợ thở tới các bệnh viện.
Cùng ngày, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo nước này có khả năng bước vào giai đoạn "nền kinh tế thời chiến" khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu. Chủ tịch Confindustria ước tính nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến”.
Tây Ban Nha: Hơn 3.900 nhân viên y tế nhiễm virus
"Điểm nóng" dịch thứ hai tại châu Âu trong ngày 23/3 tiếp tục diễn biến xấu, khi ghi nhận thêm 4.321 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 33.089, và thêm 434 bệnh nhân tử vong. Như vậy, chỉ sau 3 ngày, số ca tử vong tại nước này từ chỗ vượt ngưỡng 1.000 đã tăng lên 2.206 người.
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo đang chuẩn bị phát thêm khoảng 650.000 bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh, ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già tại các trại dưỡng lão và những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Khoảng 12% số người nhiễm virus SARS-CoV-2, tương đương 3.910 người, là nhân viên y tế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, đã kêu gọi EU tiến hành "kế hoạch Marshall" (kế hoạch tái thiết hậu Thế chiến 2) nhằm đối phó với những tác động kinh tế của đại dịch, đồng thời thông báo tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài tới ngày 11/4. Trong khi đó, theo truyền thông Tây Ban Nha, Phó Thủ tướng Carmen Calvo ngày 23/3 đã nhập viện để điều trị chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Trước đó, hai bộ trưởng nội các và phu nhân Thủ tướng, bà Begoña Gómez cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đức: Hệ thống y tế tiên tiến giúp giảm ca tử vong, Thủ tướng Merkel "âm tính lần 1"
Tại Đức, số ca nhiễm mới tăng thêm 2.308 người, lên tổng số 27.181 ca. Tuy nhiên, việc sở hữu hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu thế giới, biện pháp xét nghiệm nhanh và rộng rãi là một trong những nguyên nhân chính khiến số người tử vong tại Đức ít hơn các nước lân cận, với 113 ca. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ chiếm gần 0,4% so với 9% tại Italy, quốc gia có 5.476 trường hợp tử vong và 59.138 người nhiễm virus. Một trong những lợi thế quan trọng nhất khi đối mặt với sự bùng phát virus SARS-CoV-2 của Đức chính là quốc gia này sở hữu số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt nhiều nhất tính theo đầu người tại châu Âu, với 29 giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho 100.000 người. Trong khi đó, Italy chỉ có 13 giường bệnh đặc biệt cho 100.000 người, Pháp có 12, Tây Ban Nha có 10 và Anh chỉ có 7 giường bệnh/100.000 người.
Ngày 23/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có kết quả âm tính đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong lần xét nghiệm đầu tiên. Người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết các cuộc xét nghiệm tiếp theo sẽ được thực hiện trong những ngày tới. Tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Merkel vẫn ổn định và bà vẫn làm việc cũng như điều hành công việc của chính phủ trong thời gian tự cách ly tại nhà.
Mỹ thành "điểm nóng" COVID thứ hai toàn cầu
Chỉ trong 24 giờ qua, nước Mỹ có thêm 7.309 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số ca mắc COVID vượt qua ngưỡng 40.000 người, với 40.855 bệnh nhân, và 483 người đã tử vong. Tới ngày 23/3 thêm nhiều bang tại Mỹ như Indiana, Michigan, Wisconsin, Oregon đã ra lệnh "trú ẩn tại chỗ", yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Như vậy, đã có 14 tiểu bang, bao gồm các bang đông dân nhất nước Mỹ như California, New York, Illinois đã áp dụng lệnh tương tự, khiến trên 1/4 dân số Mỹ đang phải cách ly tự giác tại nhà và duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.
Sau vài ngày thảo luận kéo dài, ngày 23/3, Thượng viện Mỹ một lần nữa không thông qua được dự luật cứu trợ khẩn cấp do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất. Dự luật này nếu được thông qua sẽ mở đường cho việc Chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19. Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch bệnh.
Rạng sáng 24/3 (theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn đầu cơ tăng giá hàng hóa. Ông cũng đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ cho thấy ông dần mất kiên nhẫn khi chứng kiến hoạt động sản xuất tạm ngừng vì các biện pháp cách ly trên diện rộng. Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không thể để cho "việc điều trị" lại gây ra hậu quả tồi tệ hơn dịch bệnh, và đến cuối giai đoạn cách ly 15 ngày (từ 16/3 đến 31/3), Mỹ sẽ tự quyết định đường đi riêng. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định khi đó, nhóm nguy cơ cao sẽ được bảo vệ bằng những biện pháp cần thiết trong khi nhóm còn lại sẽ trở lại công việc và cuộc sống hằng ngày.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau ngày 23/3 kêu gọi người dân "trở về nhà và ở yên trong nhà" và nếu họ phớt lờ khuyến cáo này, tiếp tục tiếp xúc với người khác và tới chỗ đồng người, họ không chỉ tự đặt mình vào nguy hiểm mà còn gây nguy hiểm cho những người khác. Canada hiện có 2.049 ca nhiễm bệnh, tăng 579 ca trong 24h qua, và 23 người đã tử vong. Cùng ngày, thành phố Toronto tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Tại Iran, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi trong ngày 23/3, nước này đã ghi nhận thêm 127 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 1.812 ca và tổng số ca nhiễm virus là 23.049 người. Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hossein Baqeri cho biết 52/58 bệnh viện quân y trên cả nước đã bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân mắc COVID-19. Cùng ngày, nhà chức trách Iran đã ra lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại tại thủ đô Tehran. Iran Mall - trung tâm mua sắm lớn nhất của Iran, ở thủ đô Tehran - sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, với sức chứa khoảng 3.000 giường.
Cùng khu vực Trung Đông, ngày 23/3, Syria ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là một người vừa trở về sau chuyến đi nước ngoài. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Syria tuyên bố đóng các cửa khẩu biên giới với Liban từ 24/3 do lo ngại tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, Chính phủ cũng đình chỉ giao thông công cộng trên toàn quốc từ tối 23/3. Với việc Syria ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, đến nay ở khu vực Trung Đông chỉ còn Libya và Yemen chưa có ca nào mắc bệnh dịch này.
Ngày 23/3, Malaysia đã ghi nhận thêm 212 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.518 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á này. Bộ Y tế Malaysia cho biết trong số các ca mắc trên có khoảng 970 trường hợp liên quan tới sự kiện tôn giáo có khoảng 16.000 người tham gia tại một thánh đường ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur từ hôm 27/2 – 1/3. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại nước này cũng đã tăng lên 14 ca.
Cũng tại Đông Nam Á, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar rạng sáng 24/3 thông báo, nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2. Đó là 2 nam công dân Myanmar vừa trở về từ Mỹ và Anh, hiện đã được điều trị cách ly.
Tính đến chiều 23/3, Indonesia ghi nhận 579 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có tới 49 ca tử vong. Thủ đô Jakarta ngày 23/3 đã ra lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim và nhiều trung tâm giải trí khác để hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Những biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia y tế quan ngại rằng Indonesia chưa thực hiện đủ các biện pháp cần thiết để kiềm chế virus SARS-CoV-2.
Tại Hàn Quốc, ngày 23/3, Tổng thống Moon Jae-in đã từ chối cân nhắc về việc thay đổi thời gian khai giảng năm học mới bắt đầu vào mùa Thu, trong bối cảnh năm học mới tại nước này đã được điều chỉnh muộn hơn 5 tuần so với kế hoạch do dịch COVID-19. Quyết định này phản ánh quyết tâm của nhà lãnh đạo Hàn Quốc tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và đưa các trường học hoạt động trở lại bình thường sớm nhất có thể. Ông đã chỉ đạo giới chức ngành giáo dục chuẩn bị chu đáo cho việc khai giảng học kỳ mùa Xuân, đặc biệt là đảm bảo cung cấp đủ khẩu trang cho học sinh và giáo viên.
Trong 24h qua, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 64 ca nhiễm mới, với tổng số ca nhiễm là 8.961 và 111 ca tử vong.
Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh phải có biện pháp xử lý cứng rắn bằng pháp luật đối với các nhà thờ vi phạm hướng dẫn phòng dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, ngày 23/3, thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận 15 ca nhiễm mới lây nhiễm từ nước ngoài. Trong khi đó, thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Đây là ngày thứ năm liên tiếp địa phương này không ghi nhận ca mắc mới nào. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc Vũ Hán không còn ca nhiễm mới nào đem lại hy vọng cho thế giới đang "căng mình" chống dịch.
Liên quan đến Thế vận hội mùa Hè - Olympic 2020 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/3, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAA) đã ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ việc hoãn tổ chức sự kiện này do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Cùng ngày, Ủy ban Olympic quốc gia của Canada và Australia cho biết họ sẽ không cử vận động viên tới tham dự Olympic Tokyo 2020.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên đề cập khả năng hoãn Thế vận hội Tokyo, nhưng tuyên bố không việc hủy bỏ Olympic không phài là phương án của nước này. “Nếu không thể tổ chức sự kiện thể thao quan trọng này một cách đầy đủ, chúng tôi sẽ phải quyết định hoãn nó khi ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của các vận động viên”, ông Abe nói.