12:22 07/12/2011

Điện Biên: Cần làm rõ vụ "san phẳng" hơn 4 ha rừng phòng hộ

Vụ việc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên (CTCPCSĐB) triệt hạ hơn 4 ha rừng những ngày đầu tháng 11 vừa qua nhằm mục đích trồng cây cao su trên địa bàn xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã gây xôn xao công luận.

Vụ việc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên (CTCPCSĐB) triệt hạ hơn 4 ha rừng những ngày đầu tháng 11 vừa qua nhằm mục đích trồng cây cao su trên địa bàn xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã gây xôn xao công luận. Dư luận bất bình vì diện tích rừng phòng hộ có độ tuổi hàng chục năm bị biến mất mà không có lý do chính đáng; chính quyền địa phương thì cho rằng CTCPCSĐB đã bỏ qua các trình tự thủ tục quan trọng.

Hơn 4 ha rừng phòng hộ bị “trọc hóa”

Từ trung tâm xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, xuôi theo quốc lộ 12 hướng Điện Biên - Lai Châu chừng 2 km, vượt qua những con dốc trơn trượt, quanh co, chúng tôi đến nơi CTCPCSĐB đang tập trung máy móc để san ủi hơn 4 ha diện tích rừng phòng hộ có độ tuổi hàng chục năm của xã Thanh Nưa.

Hình ảnh hiện trường bị “trọc hóa”.


Trước mắt chúng tôi là những mảng rừng đã bị “trọc hóa”, loang lổ, trơ trọi. Con đường đất dẫn vào khu vực rừng bị san ủi chằng chịt những vết bánh xích của máy ủi, máy xúc. Hai bên đường vẫn còn ngổn ngang những ụ đất, gốc cây, những lóng gỗ đã được chặt, cắt, cưa, tập kết thành đống.

Theo số liệu của UBND huyện Điện Biên thì, diện tích rừng mà CTCPCSĐB san ủi có tổng diện tích 4,3 ha, thuộc Tiểu khu 703, khoảnh 1. Theo bản đồ phân cấp phòng hộ xã Thanh Nưa và theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Thanh Nưa (theo Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 5/12/2005) thì diện tích rừng nêu trên được phân cấp là rừng phòng hộ ít xung yếu; được quy hoạch là rừng sản xuất. Uớc thiệt hại là 130,376 m3.

Cần làm rõ vụ việc

Theo Quyết định 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của tỉnh Điện Biên về việc thu hồi và giao đất cho CTCPCSĐB để trồng cây cao su trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, thì CTCPCSĐB được phép sử dụng 271,67ha; vị trí, ranh giới khu đất thu hồi và giao để trồng cây cao su được xác định tại Tiểu khu 703, khoảnh 1, 2, 5 theo Bản đồ giao đất trồng cây cao su của năm 2011 tại địa bàn xã Thanh Nưa với thời gian sử dụng đất là 50 năm.

Căn cứ trên quyết định này, từ ngày 3 và ngày 4/11/2011 CTCPCSĐB đã tiến hành mở đường đưa máy vào tổ chức san ủi khai hoang trên vị trí đã nêu để triển khai kế hoạch trồng mới cây cao su theo chỉ tiêu, kế hoạch được tỉnh giao năm 2012.

Theo ông Nguyễn Huy Lý, Tổng Giám đốc CTCPCSĐB, trước khi “động thổ”, công ty của ông đã tiến hành các thủ tục; thống nhất diện tích đất được giao để trồng cây năm 2012 với UBND xã Thanh Nưa, các trưởng bản và đại diện hộ gia đình, cá nhân. Công ty xác định hiện trạng, vạch tuyến trên thực địa ranh giới khu đất được giao để trồng cây cao su, đồng thời thông báo cho các hộ dân tận thu gỗ, củi, sử dụng mục đích sinh hoạt của gia đình...

Nhưng theo ông Lò Văn Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa thì CTCPCSĐB tổ chức san ủi khi nào ông không hề biết (do không nhận được bất kỳ một thông báo nào dưới hình thức văn bản). Nhận thấy việc CTCPCSĐB không thực hiện theo Quyết định 289/QĐ-UBND của tỉnh Điện Biên, chính quyền xã Thanh Nưa đã kịch liệt phản đối. Ông Đôi cho biết thêm, để đối phó, Công ty này chỉ dừng san ủi vào ban ngày còn ban đêm lại hoạt động bình thường. Do đó, ngày 17/11, UBND xã Thanh Nưa đã ra Quyết định số 109 về việc đình chỉ việc san ủi rừng để trồng cây cao su khi chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cũng cho biết, đến thời điểm số diện tích rừng nêu trên bị “cạo trọc”, huyện chưa tiến hành giao mốc thực địa cho CTCPCSĐB. Ngày 9/6/2011, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên... sau khi đã tiến hành rà soát lại diện tích đất trồng cao su tại khoảnh 1, Tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên trên thực địa, Đoàn đã thống nhất nội dung: Hiện trạng khoảnh 1, Tiểu khu 703, toàn bộ diện tích đất của khoảnh 1 là đất có rừng khoanh nuôi, trạng thái IIA. Vị trí khoảnh 1, Tiểu khu 703 trên đầu nguồn suối Hồng Lệnh thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, giữ nước tưới tiêu cho cánh đồng khu vực Hạ Thanh và nước sinh hoạt bản Tâu, xã Thanh Nưa.

Cũng trong buổi làm việc này của đoàn liên ngành, Chính quyền UBND xã Thanh Nưa đã đề nghị giữ lại khoảnh 1, Tiểu khu 703 để đảm bảo nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của cánh đồng vùng Hạ Thanh và nước sinh hoạt cho nhân dân theo ý kiến “thỉnh cầu” của đông đảo nhân dân trong xã. Đoàn liên ngành đã đi đến thống nhất hướng xử lý: Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi lại diện tích đất khoảnh 1, Tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, giao cho CTCPCSĐB tại Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh Điện Biên để UBND xã Thanh Nưa tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất trong vùng.

Tuy nhiên, đại diện CTCPCSĐB, ông Nguyễn Huy Lý lại khẳng định, việc triển khai khai hoang là hoàn toàn hợp pháp. Lý do là theo văn bản số 515/CSĐB ngày 28/2/2011 của công ty có đoạn nêu rõ: “Đối với khoảnh 1, Tiểu khu 703... thuộc đối tượng rừng sản xuất, trạng thái 1C, hoàn toàn có đủ điều kiện để đưa vào trồng cây cao su theo quy định của pháp luật. Đến nay chưa có văn bản nào quy định trạng thái IIA, cũng chưa có quyết định nào thay thế Quyết định 289/QĐ-UBND”.

Được biết, mục tiêu đến năm 2015 của CTCPCSĐB sẽ trồng 10.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là một chủ trương đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII. Theo Quyết định 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh Điện Biên thì việc CTCPCSĐB san ủi để mở rộng diện tích trồng cây cao su là đúng về chủ trương, nhưng tiếc thay cách thức, trình tự thủ tục lại “nhảy cóc” nên đã gây nên bức xúc cho chính quyền, người dân địa phương xã Thanh Nưa nói riêng, người dân tỉnh Điện Biên nói chung.

Xuân Tiến