04:09 30/04/2011

Điểm sáng văn hóa đồng bào dân tộc Chăm Bình Thuận

Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng “Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận” (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đã trở thành nơi sinh hoạt, tổ chức những lễ hội truyền thống, bảo tồn và lưu giữ những hiện vật, di sản đặc trưng…

Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng “Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận” (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đã trở thành nơi sinh hoạt, tổ chức những lễ hội truyền thống, bảo tồn và lưu giữ những hiện vật, di sản đặc trưng…, là một điểm sáng trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Thuận.

Được xây dựng trên diện tích 3.500 m2, nằm ngay trung tâm huyện Bắc Bình, nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất Bình Thuận, “Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận” hội tụ những nét độc đáo nhất của đồng bào dân tộc Chăm về kiến trúc, màu sắc… Ông Lâm Tấn Bình, Giám đốc trung tâm cho biết: Trung tâm được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm, cũng như giúp địa phương có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút du khách.

Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.


Không gian trưng bày được bố trí thành các khu riêng biệt theo từng chủ đề: Khu trưng bày sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm; hình ảnh và cổ vật thuộc văn hóa Chăm; khu trưng bày nông, ngư cụ truyền thống của người Chăm; các sản phẩm và trình diễn làng nghề gốm; các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền; khu trưng bày nghiên cứu các sản phẩm văn hóa phi vật thể… với hơn 100 hiện vật quý hiếm, 387 hiện vật phục chế và 150 bức ảnh về đời sống văn hóa của người Chăm… Những cổ vật một phần được chính người dân bản địa góp vào để bảo tồn cho con cháu đời sau.

Trung tâm đã trở thành nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm khi có lễ hội. Không những vậy, nơi đây còn phục vụ công tác nghiên cứu của các nhà khoa học về văn hóa Chăm. Được biết, trong kho tàng văn hóa Chăm ở Bình Thuận, hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm do gia đình bà Nguyễn Thị Thềm – hậu duệ của các đời vua Chăm được thừa kế và bảo quản. Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lại gồm 100 hiện vật quý có niên đại từ thế kỷ XIV-XVII như ấn kiếm, vương miện vua và hoàng hậu, các loại trang phục, phương tiện đồ dùng trong hoàng cung... thời vương triều Pôklong Mơhnai.

Trình diễn dệt thổ cẩm tại trung tâm trưng bày.


Từ khi hoạt động đến nay, đã có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan tìm hiểu, trung tâm đã trở thành một điểm du lịch lý thú của tỉnh Bình Thuận. Đây là chiếc cầu nối văn hóa mang những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm đến với bạn bè gần xa. Bên cạnh việc trưng bày, hàng ngày tại đây còn có những nghệ nhân biểu diễn các thao tác dệt thổ cẩm, làm gốm, làm bánh… phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách. Trong dịp tham quan trung tâm trưng bày, bà Yasuko đến từ Nhật Bản, tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học - người đã nhiều năm nghiên cứu nền văn hóa Chăm chia sẻ: “Văn hóa Chăm nhiều thú vị lắm, ngay cả giữa Ninh Thuận và Bình Thuận cũng có sự khác biệt. Tôi nghĩ rằng, đây là cơ hội tốt để người Chăm ở Bình Thuận tự hào và phát huy về văn hóa dân tộc mình, để mọi người biết đến nhiều hơn về văn hóa của mình”.

“Hiện nay, nhiều cổ vật về văn hóa Chăm vẫn còn phân tán trong người dân, Trung tâm chưa thể tái tạo một cách hoàn chỉnh hết về nền văn hóa này. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp để khu trưng bày được phong phú đầy đủ hơn, qua đó góp phần giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ trẻ của người Chăm sau này” - ông Lâm Tấn Bình chia sẻ.

Hồng Hiếu