12:13 17/12/2010

Điểm sáng phong trào thoát nghèo ở vùng sâu

Là một xã vùng sâu của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, những năm trước đây, người dân ấp Tân Lập (dân trong vùng quen gọi là "Xóm lúa 10 giờ") xã Long Tân gặp rất nhiều khó khăn cả trong đời sống, sản xuất và lưu thông.

Là một xã vùng sâu của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, những năm trước đây, người dân ấp Tân Lập (dân trong vùng quen gọi là "Xóm lúa 10 giờ") xã Long Tân gặp rất nhiều khó khăn cả trong đời sống, sản xuất và lưu thông.


Nhưng không đầu hàng số phận, người dân nơi đây đã biết tận dụng những thuận lợi mà mình có được, để biến nó trở thành giấc mơ đổi đời. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của những người dân vùng sâu, nơi đây đã trở thành điểm sáng trong phong trào thoát nghèo.

Những ngày gian khó

Hơn hai chục năm trước, khi vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Cum (một trong những người tiên phong trong việc hình thành "Xóm lúa 10 giờ") ra riêng, được cha mẹ chia cho 2 công đất (2.000 m2), mỗi năm "trúng" lắm cũng chưa đến 30 giạ lúa (600 kg). 


Chăn nuôi lợn ở các hộ nghèo-Ảnh internet


Thời điểm đó, còn nước mặn mỗi năm nên người dân trong xóm chỉ làm được 1 vụ lúa, quanh năm thiếu trước, hụt sau... Khi thị trường hình thành, nhiều thương lái từ Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang đã xuống vùng này mua lúa. Do nhà ở gần sông lớn, lại thông thuộc địa hình cũng như tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm từ việc phụ vợ mua bán gạo lẻ, nên khi thấy cơ hội tốt, ông Cum đã mạnh dạn sắm 1 chiếc ghe chèo để đi thu mua lúa ướt của người dân quanh vùng đem về phơi khô rồi bán lại cho thương lái. Lúa ướt mua về phơi đến khoảng 10 giờ sáng là bắt đầu ráo nước, cũng vừa kịp thương lái đến mua.

Hồi đó, công việc mua bán còn rất khó khăn, mỗi ngày một ghe chèo chỉ có thể mua được khoảng 20 giạ, đường xa mà chèo bằng tay lại phải qua nhiều con đập nên rất mệt và mất thời gian. Tuy có khó khăn, nhưng vì 10 công ruộng lúc đó thu nhập không bằng một ghe chèo mua lúa nên gia đình vẫn cố gắng để làm "lúa hàng xáo". Tính ra, mỗi giạ lúa lúc đó khoảng 23.000 - 25.000 đồng, mua đi bán lại lãi một giạ được 1.000 đồng. Tính ra mỗi ngày ông cũng kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Dần dà, thấy việc làm lúa hàng xáo ngày càng phát đạt, nhiều hộ dân trong xóm cũng bắt đầu sắm ghe chèo đi mua lúa về phơi sơ bán lại. Cứ thế, 10 giờ phơi ráo lúa là cào bán. Năm này qua tháng nọ, thương lái và người xa gần đã quên mất tên ấp Tân Lập, mà quen gọi là: "Xóm lúa 10 giờ".

Giống như ông Cum, ông Dương Văn Hải cũng có quá trình khởi nghiệp gian nan nhưng nay đã thành công. Ông cho biết: Hồi đó để mua được 20 giạ lúa phải chèo bằng ghe đi gần 30 cây số, do đường xa nên nhiều khi phải ngủ lại nhờ nhà người quen, sáng hôm sau mới trở về. Trước đây mua "vo" theo táo (một loại thùng đựng lúa của người dân địa phương) bán bằng ký (kg) nên lãi nhiều, còn bây giờ thì mua ký bán ký, không được như trước, nhưng do làm ăn lâu năm, nắm bắt được giá chênh lệch của giá cả thị trường nên vẫn đảm bảo thu nhập.

Đổi thay "Xóm lúa 10 giờ"

Nay đến "Xóm lúa 10 giờ", đường sá đã được lưu thông, các tuyến giao thông nông thôn đều được lót tấm đan, đặc biệt tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp chạy qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau chạy qua ấp Tân Lập càng làm cho diện mạo của “Xóm lúa 10 giờ” đổi mới. Cũng từ nghề lúa hàng xáo mà nhiều hộ khá giả, giàu có dần, nhiều căn nhà mới khang trang mọc lên.


Theo ông Cum, khi mới có tên "Xóm lúa 10 giờ", cả ấp có tới 60 - 70% hộ nghèo và nhiều hộ còn lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn, nay cả ấp không còn hộ nghèo. Ông Cum cũng cho biết, sở dĩ "Xóm lúa 10 giờ" của ông có thể thoát nghèo như ngày hôm nay chính là việc lớp người đi trước không "giấu nghề", sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho những người đi sau. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của nhau và cứ dành dụm dần nên nhiều hộ trong xóm đã bắt đầu đóng được những chiếc ghe có trọng tải lớn...

Việc mua bán của người dân xóm lúa càng thuận tiện hơn khi nhờ đầu tư của Nhà nước để ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nước ngọt tràn về nên không còn đập ngăn mặn nữa. Đến năm 2000, những chiếc ghe có trọng tải 6-7 tấn đã được mua về, máy xăng được người dân thay bằng máy dầu vì chi phí vận chuyển thấp hơn và chịu tải nặng hơn. Với chiếc ghe 6 tấn, người dân xóm lúa có thể kiếm được 20-30 triệu đồng mỗi mùa vụ. Cả xóm hiện nay có trên 80 chiếc ghe trọng tải 8 tấn. Hai người con trai của ông Cum cũng đã theo nghiệp của cha, họ cũng đi đến các địa phương khác để mua lúa về phơi sấy bán lại. Hiện gia đình ông đã tích lũy được 2 ha đất, mua được 2 chiếc ghe trọng tải 6 tấn.

"Xóm lúa 10 giờ” bây giờ không có người thất nghiệp, việc làm lúa hàng xáo gần như diễn ra quanh năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động như phơi, sấy, bốc vác… Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân trong xóm mà cả người dân ở các địa phương khác cũng đến đây để làm thuê.

Nhiều địa phương lân cận của huyện Ngã Năm cũng bắt đầu làm theo mô hình của "Xóm lúa 10 giờ" như: Xóm Hàng Xáo (xã Long Bình), xóm Hàng Lưới (xã Tân Long).

Chanh Đa - TTXVN