04:09 19/04/2011

“Điểm sáng” - Chốn ăn chơi nhức nhối một thời ở Trùng Khánh - Kỳ 1: Một thời vang bóng

Sau 500 ngày truy đuổi qua khắp Á cùng Âu, cuối cùng vào hôm 1/4/2011, công an thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), cũng đã dẫn độ thành công má mì Vương Uyển Ninh từ Philíppin về Trung Quốc.

Sau 500 ngày truy đuổi qua khắp Á cùng Âu, cuối cùng vào hôm 1/4/2011, công an thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), cũng đã dẫn độ thành công má mì Vương Uyển Ninh từ Philíppin về Trung Quốc. Gần một tuần sau, biết không thể trốn thoát, Thường Lượng, chồng của Vương Uyển Ninh, cũng đáp máy bay về nước tự thú. Câu chuyện về tập đoàn tội phạm mang tính chất xã hội đen, kiếm tiền trên thân xác hàng nghìn phụ nữ ở Trùng Khánh một lần nữa lại được xới lên cùng nỗi đau không chỉ của các nạn nhân bị cưỡng bức bán dâm, bị hành hạ tới thân tàn ma dại, mà còn đến từ sự sa ngã của những cán bộ bảo vệ pháp luật, nhưng lại bảo kê cho các hoạt động phạm pháp. Nó đồng thời cũng cho thấy quyết tâm lớn lao của Trùng Khánh trong việc tấn công trấn áp tội phạm, làm trong sạch bộ máy.

Kỳ 1: Một thời vang bóng

Trùm má mì Vương Uyển Ninh bị dẫn độ về Trùng Khánh quy án.


Ở đường Giang Gia Hạng, cách Thập Tự Kim - khu phố thương mại sầm uất bậc nhất của Trùng Khánh - không xa có một tòa lầu cũ. Trước đây, tòa lầu này là nơi đứng chân của quán trà “Điểm Sáng”, chốn ăn chơi sa đọa náo nhiệt một thời ở Trùng Khánh. Cách đó khoảng 100 m là trụ sở Cục Công an Trùng Khánh. Người dân sở tại hầu như ai cũng biết quán trà chỉ là vỏ bọc của “Điểm Sáng”, nhưng không hiểu vì lý do gì nó vẫn tồn tại trong nhiều năm dài. Giờ đây, cả tòa lầu trước sử dụng làm quán trà “Điểm Sáng” và trụ sở của Cục Công an Trùng Khánh đều đã bị phá bỏ. Cục Công an Trùng Khánh chuyển về trụ sở mới. Trên nền trụ sở cũ đang mọc lên một tòa nhà mới với kiến trúc độc đáo. Còn tại tòa lầu có quán trà “Điểm Sáng” giờ là “Quảng trường Thời đại”, một công trình hiện đại cao hơn 40 tầng.

Người dân địa phương hồ hởi với cuộc sống mới yên bình, an ninh, nhưng họ vẫn không quên nơi đây một thời nhức nhối vì “Điểm Sáng”. Theo giới thiệu của những người biết sự tình, “Điểm Sáng” mở cửa ở Giang Gia Hạng khi mới bước vào kinh doanh cũng giống như những chi nhánh của “Điểm Sáng” phát triển sau này đều không treo biển hiệu, nhưng không vì thế mà vô danh. Ông Trâu, một tài xế taxi có thâm niên hơn 10 năm làm ca đêm ở Trùng Khánh, cho biết khi đó nếu lên taxi bảo chở tới “Điểm Sáng” thì không có mấy tài xế biết phải đi đâu. Nhưng nếu bảo rằng muốn tìm “nước ấm” hoặc tới chỗ “80 đồng” (80 nhân dân tệ), chắc chắn họ sẽ biết được nơi hành khách cần đến.

Thường Lượng, chồng Vương Uyển Ninh giơ biển tự thú sau khi xuống máy bay.


Tại sao lại là “nước ấm” và “80 đồng”? Bởi khi phục vụ khách làng chơi, tất cả các tiếp viên ở “Điểm Sáng” đều cần tới một chậu “nước ấm” để vệ sinh và mỗi một lần mây mưa, “thượng đế” tới mua vui phải trả là “80 đồng”. Do có nhiều gái đẹp, giá rẻ, phục vụ tận tình, chu đáo, nghệ thuật và đặc sắc, nên cho dù tiện nghi phòng ốc ở “Điểm Sáng” rất bình thường, nhưng chốn ăn chơi sa đọa này vẫn nhanh chóng nổi danh và làm ăn rất phát đạt. Không bao lâu sau khi mở cửa kinh doanh, “Điểm Sáng” đã phải phát triển thêm chi nhánh “nước ấm”, “80 đồng” thứ hai, thứ ba... và tới khi bị sụp đổ vào năm 2009, sau hơn 15 năm tồn tại, “Điểm Sáng” có tổng cộng 9 địa điểm phục vụ khách làng chơi dưới các vỏ bọc như quán trà, nhà nghỉ, thẩm mỹ viện... . Lúc hưng thịnh hàng năm, “Điểm Sáng” mang lại hàng chục triệu nhân dân tệ (hàng chục tỉ VND) lợi nhuận cho những kẻ sinh ra nó. Một nhân viên từng làm việc tại “Điểm Sáng” kể lại rằng thời kỳ hoàng kim của “Điểm Sáng” đến từ sau năm 2000. Khi đó, khách làng chơi kéo đến nườm nượp, tiếp đãi không xuể. Giá của một lần mây mưa cũng tăng từ 80 đồng lên 100 đồng, còn thời gian một cuốc đi khách tại chỗ cũng giảm từ 60 phút xuống 45 phút.

Để thuận tiện cho việc kinh doanh, ông Quách, chủ một công ty buôn bán hàng điện tử ở Lâm Giang Môn thỉnh thoảng phải đưa đối tác đi “vui vẻ”. Ông Quách cho biết, mình từng tới “Điểm Sáng” và khi đó, khách hàng thường phải lấy số chờ đợi ở sảnh lớn từ nửa tiếng tới một giờ. Có lúc, ông Quách nhìn thấy ở sảnh lớn tới trên trăm người. Để các “thượng đế” đỡ sốt ruốt, giải khuây trước lúc “tham chiến”, tại sảnh chờ, “Điểm Sáng” bố trí bàn bi - a, bàn bóng bàn và phục vụ trà... Một lần đến “Điểm Sáng” vào 2 giờ sáng, ông Quách và đối tác ngao ngán khi thấy vẫn còn rất nhiều người đang đứng chờ đến lượt. Thấy vậy, nhân viên lễ tân liền đưa nhóm của ông Quách sang chi nhánh gần đó, nhưng rốt cuộc họ phải quyết định dừng cuộc chơi vì e rằng không có đủ kiên nhẫn trước hàng dài những kẻ tìm cảm giác lạ đang nhấp nhổm.

Nội thất một phòng “tiếp khách” của “Điểm Sáng”.

Vì quá đông khách và chạy đua với “định mức”, nên mỗi khi xong một cuộc mây mưa, các nữ tiếp viên ở “Điểm Sáng” thường giả lả cười nịnh, tìm cách nhanh chóng đẩy “thượng đế” ra cửa để lao vào dùng “nước ấm”, chuẩn bị cho lần dày vò tiếp theo. Trong bài viết đẫm nước mắt được đưa lên mạng sau khi “Điểm Sáng” sụp đổ, một nữ tiếp viên từng có quãng đời ô nhục ở đây cho biết, theo quy định của “Điểm Sáng”, cô và các “đồng nghiệp” mỗi ngày phải có ít nhất 10 cuốc phục vụ “thượng đế” và mỗi tuần phải có ít nhất hai ngày có trên 20 cuốc phục vụ “thượng đế”. Nếu không hoàn thành, nhẹ là phải chịu các hình phạt về thể xác như chạy bộ bằng chân trần trong vòng 45 phút hay phải ép sát hai đầu gối đứng lên ngồi xuống 200 lần, nặng thì bị đánh gẫy chân bằng ống nhựa hoặc phạt tiền.

Hoàng Linh (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Những thân phận đau đớn