10:16 18/10/2010

Diêm dân bị ứ muối

Vụ muối năm 2010-2011 sắp bắt đầu, nhưng diêm dân Bạc Liêu đang ngao ngán vì bí lối ra cho nghề muối vốn chịu nhiều nhọc nhằn, luôn phải sống trong cảnh bấp bênh "được mùa rớt giá”.

Vụ muối năm 2010-2011 sắp bắt đầu, nhưng diêm dân Bạc Liêu đang ngao ngán vì bí lối ra cho nghề muối vốn chịu nhiều nhọc nhằn, luôn phải sống trong cảnh bấp bênh "được mùa rớt giá”. Điển hình nhất là vụ muối năm 2010. Chỉ với hơn 3.400 ha đất làm muối, nhưng cho sản lượng tới hơn 266.000 tấn, tăng gấp đôi năm 2009, đạt 214% kế hoạch năm 2010. Đạt và vượt kế hoạch. Nhưng từ nhà quản lý đến người sản xuất ai cũng "méo mặt" vì nỗi lo tồn đọng luợng muối quá lớn, không tiêu thụ được.

Khi nghe có chủ trương của Chính phủ chỉ đạo và giao TCT Lương thực miền Bắc (LTMB) đứng ra mua muối tạm trữ cho diêm dân với giá bảo đảm có lãi cho người làm muối, mọi người rất mừng, nghĩ rằng đó sẽ là đòn bẩy giúp việc tiêu thụ muối được dễ dàng, nghề muối có lối ra và có điều kiện khôi phục sản xuất.



Diêm dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thu hoạch muối.
Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, TCT LTMB đến Bạc Liêu khảo sát nắm tình hình muối tồn đọng trong dân; giao chỉ tiêu cho Công ty muối Bạc Liêu mua 30.000 tấn muối trên địa bàn, không những thế còn mạnh dạn tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 34 tỷ đồng để xây dựng kho trữ 16.000 tấn, tiến hành thu mua, dự trữ muối khi thị trường có biến động.

Thế nhưng những chỉ tiêu, những tuyên bố hùng hồn trên cho đến nay, theo thời gian như... “lời nói gió bay”. Công ty muối Bạc Liêu sau nhiều nỗ lực "trầy trật” cũng chỉ mua được 5.000 tấn muối rồi ngưng, bằng 1/6 chỉ tiêu được giao; mà họ chỉ mua toàn muối trắng, trong khi đó muối đen sản xuất trên địa bàn lên đến 90% tổng sản lượng. Lượng muối trắng sản xuất theo mô hình trải bạt tiên tiến năm 2009 có 50 ha, nhưng cho sản lượng đến hơn 36.000 tấn. Con số quá lý tưởng đối với diêm dân. Thế nhưng hàng ngàn hộ làm muối trên địa bàn chỉ biết thở dài lắc đầu, vì lấy đâu ra tiền để làm muối theo mô hình trải bạt (!?)

Vốn tín dụng từ ngân hàng đối với nghề muối đã “đóng băng” từ lâu rồi, nói chi đến đầu tư chiều sâu cho nghề muối. Có nhiều cuộc họp bàn, kiến nghị về đầu tư chiều sâu vốn tín dụng cho nghề muối phát triển, nhưng đâu lại hoàn đấy. Diêm dân vẫn phải cặm cụi với "chiếc xe lu đất” thô sơ, dùng sức người đẩy để láng nện cho mặt ruộng bằng phẳng lấy nước biển vào làm muối và cào muối bằng những chiếc cào gỗ đơn giản. Cào muối lẫn cả bùn đất, nên trong hạt muối đầy nỗi nhọc nhằn!

Trao đổi với PV TTVXN, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải, "vương quốc muối” và đại diện Sở NN&PTNT Bạc Liêu đều rất buồn và lắc đầu không trả lời nổi những câu hỏi: Vì sao muối tồn đọng quá nhiều? vì sao TCT LTMB và Công ty muối Bạc Liêu chỉ mua toàn muối trắng?, ai chịu trách nhiệm về việc muối tồn đọng không tiêu thụ được? vụ tới sản xuất loại muối gì?...

TCT LTMB, khi "bị” các phương tiện truyền thông nêu vấn đề bất cập trong mua muối tạm trữ, đã có những lý giải "kiểu đối phó, như: Bạc Liêu giao cho một doanh nghiệp tư nhân mua "tiếp sức” cùng với Công ty muối Bạc Liêu mua thêm 2.000 tấn muối trắng nữa (lại là muối trắng). Kết thúc việc mua muối theo chủ trương mua muối tạm trữ của Chính phủ, các doanh nghiệp chỉ mua chưa được ¼ chỉ tiêu được giao. Lý do các doanh nghiệp đưa ra thì rất nhiều, thiếu đủ thứ: Vốn, kho chứa, phương tiện vận chuyển… Nhưng cái thiếu lớn nhất là trách nhiệm với diêm dân thì không ai đề cập đến. Chỉ biết rằng tại thời điểm này, ở Bạc Liêu còn tồn đọng tới trên 134.000 tấn muối đen mà chưa thấy tăm hơi "đầu ra".