11:22 18/11/2015

Dịch vụ vận tải không thể “quay lưng” với công nghệ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) trong vận tải là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Mặc dù gây sức ép cạnh tranh lớn cho các hãng taxi truyền thống nhưng rõ ràng các ứng dụng phần mềm Grab hay Uber taxi giúp giảm chi phí quản lý, điều động xe, giảm tỉ lệ xe chạy rỗng, giảm giá dịch vụ...


Hành khách, tài xế cùng được lợi

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, chị N.M.Thu (phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội) nói: “Tôi cài đặt phần mềm GrabTaxi để gọi xe được khá lâu rồi vì thấy có nhiều tiện ích, đặc biệt là cảm giác an toàn. Theo đó, hành khách có thể nắm được thông tin lái xe, biển số và loại xe, theo dõi được hành trình qua bản đồ trên ứng dụng khi xe di chuyển”. Không chỉ chị Thu mà nhiều người dùng đều đồng tình: Với thao tác đặt lệnh gọi xe đơn giản bằng di động, khách hàng còn được thông báo minh bạch về giá cước; đánh giá xếp hạng lái xe và ngược lại. Nếu lỡ quên điện thoại hay vật dụng giá trị thì dễ dàng tìm lại được.

Phần mềm GrabTaxi được nhiều người tiêu dùng cài đặt. Ảnh: MP

Tham gia mô hình kinh doanh GrabTaxi, tài xế N.M.Tâm chia sẻ: Nhờ hợp tác với Grab, khách của anh ngày càng đông. GrabTaxi thu phí theo % của từng chuyến và tỉ lệ ăn chia khá hợp lý. Đặc biệt, anh Tâm còn tiết kiệm được khá nhiều tiền xăng vì không phải đi lại nhiều vòng đón khách.

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), GrabTaxi hay xe Uber mang lại sự tiện ích cho khách hàng vì tiết giảm được chi phí và thời gian. Tài xế và chủ xe có cơ hội tăng doanh thu, tiết kiệm xăng dầu và hao mòn phương tiện. Bên cạnh đó, GrabTaxi còn mang lại lợi ích cho xã hội vì hạn chế khí thải ô nhiễm, giảm nguy cơ gây tắc đường (do tối ưu hóa khoảng cách di chuyển); giảm nguy cơ tai nạn (vì không phải chạy đua tốc độ để giành được khách).
"Chúng tôi tận dụng sức mạnh của công nghệ để mang lại lợi ích cho xã hội chứ không dùng giá thấp để cạnh tranh. Ứng dụng CNTT trong vận tải đã giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đặc biệt giảm thiểu chi phí hành chính, điều hành xe và kết nối được với nhiều khách hàng hơn, qua đó giảm được giá thành vận tải”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi nói.

Bị phản đối vì sức ép cạnh tranh

Mặc dù được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ nhưng GrabTaxi hay Uber vẫn đang bị phản đối từ các hãng taxi truyền thống.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) trong vận tải là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Mặc dù gây sức ép cạnh tranh lớn cho các hãng taxi truyền thống nhưng rõ ràng các ứng dụng phần mềm Grab hay Uber taxi giúp giảm chi phí quản lý, điều động xe, giảm tỉ lệ xe chạy rỗng, giảm giá dịch vụ...

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: Ứng dụng CNTT trong quản lý dịch vụ vận tải là chủ trương đúng đắn nhưng cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các hãng taxi truyền thống. Bên cạnh đó, Grab và Uber tham gia vận chuyển hành khách nhưng sử dụng xe không biển hiệu, tem mào trái với quy định về vận chuyển hành khách nên phải tạm dừng hoạt động này.

Trước ý kiến chưa được rõ ràng, có thể gây hiểu lầm hoặc tranh cãi của Hiệp hội Vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải xúc tiến thành lập Sàn giao dịch vận tải dùng công cụ Internet, xây dựng phần mềm liên kết các doanh nghiệp vận tải với nhau. Vừa qua, Công ty TNHH GrabTaxi đã làm dịch vụ thương mại điện tử cho taxi Grab và đã có thành công. Họ sử dụng công nghệ, liên kết với các hãng taxi lại với nhau thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh để kết nối khách hàng và các hãng taxi, từ đó xác định nhanh chóng các điểm đi và đến với giá hợp lý nhất.

“GrabTaxi đã có đăng ký hoạt động công khai, phù hợp điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay, mở ra hướng vận dụng Internet và CNTT phục vụ điều hành vận tải. Đây là việc làm rất sáng tạo nên Bộ có kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho GrabTaxi thí điểm tại 5 thành phố lớn: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ GTVT triển khai với thời gian thí điểm đến hết năm 2018. Sau đó sẽ đánh giá để có cho phép nhân rộng hay không?”, Thứ trưởng Trường nói.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Grab đã hợp tác với xe có biển hiệu, biển số, đóng thuế đầy đủ, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách. Còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Để Uber hoạt động "chính danh" thì phải đăng ký hợp pháp, có khung pháp lý cho hoạt động và để Nhà nước công nhận cho phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ứng dụng công nghệ mới trong vận tải giúp người tiêu dùng thấy an toàn, tiện lợi. Các hãng taxi truyền thống phải nâng cao sức cạnh tranh, tăng chất lượng dịch vụ để giữ khách.

Bình luận về phản ứng của các hãng taxi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Đó là một phản ứng tự nhiên khi các hãng taxi truyền thống đang mất dần lợi thế cạnh tranh. Nhưng những lập luận của hiệp hội là không có cơ sở thực tế và cơ quan quản lý không nên vì thế mà phải cấm các dịch vụ vận tải mới, đem lại sự thuận tiện cho người dân cũng như cho việc quản lý giao thông. Ông Kiên nhận định: “Việc cho phép thí điểm và sau này cho phép sử dụng công nghệ để kết nối khách hàng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ tạo ra thị trường vận tải linh hoạt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”.

Liên quan tới việc Nhà nước thu được thuế đối với mô hình kinh doanh mới này, phần lớn ý kiến đều cho rằng: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn đảm bảo thu được thuế. “Đây là vấn đề không khó vì mọi hoạt động và thu chi đều thông qua hệ thống tài khoản thẻ và hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử chính xác đến từng đồng”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Minh Phương